>>Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV: Đoàn kết, dân chủ, đổi mới và phát triển

>>Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội - Ảnh: Võ Nhân.

Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội,

Thưa các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động,

Thưa các đồng chí đại biểu và toàn thể Đại hội,

Hôm nay, tại thành phố Huế anh hùng và tươi đẹp, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi xin gửi đến các đồng chí đại biểu, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí,

Năm năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tình hình chính trị thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện :

Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 9%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng với tốc độ tăng nhanh tỉ trọng dịch vụ - du lịch và công nghiệp. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá cao, đạt gần 70.000 tỷ đồng. Đã tập trung và huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư, phát huy hiệu quả các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.000 USD, tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh; thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 16.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,16% đầu nhiệm kỳ xuống còn 4,7%; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Mạng lưới đô thị được mở rộng, tỷ lệ đô thị hoá đạt 52%, từng bước thay đổi diện mạo đô thị theo hướng xanh - sạch - đẹp. Tổ chức thành công các kỳ Festival Huế, góp phần quảng bá và nâng cao giá trị truyền thống bản sắc văn hoá Việt Nam; thành phố Huế được công nhận là “Thành phố Văn hoá ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường của ASEAN”.

Quốc phòng,  an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; an ninh biên giới được giữ vững, không để xảy ra bất ngờ, không có “điểm nóng”. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên được nâng lên; hệ thống chính trị được kiện toàn. Tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính tri về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt những kết quả tích cực, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi nhiệt liệt chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về những nỗ lực và kết quả quan trọng đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước.

Thưa các đồng chí,

Kết quả đạt được là đáng trân trọng và cần được khẳng định. Song, với trách nhiệm trước Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà, tôi đề nghị mỗi một đại biểu hãy suy nghĩ, vì sao với tiềm năng, lợi thế của vùng đất văn hiến, văn hoá Huế; địa hình phong phú, đa dạng, có cả đô thị, đồng bằng, biển, đầm phá và gò đồi, miền núi, nhưng khai thác tiềm năng này để phát triển kinh tế chưa tương xứng; thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đạt yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Các thiết chế về văn hoá và hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch chưa được quan tâm đầu tư xứng tầm của một trung tâm văn hoá, du lịch với vị thế là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận số 48-KL/TW, ngày 25-5-2009 của Bộ Chính trị chưa hoàn thành. Đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chưa tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ về tư duy trong phát triển kinh tế; cải cách hành chính chưa đạt hiệu quả cao; môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn. Quốc phòng - an ninh trên một số mặt còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cán bộ chưa ngang tầm nhiệm vụ mới. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương, nghị quyết chưa thường xuyên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở một số nơi còn yếu kém.

Những hạn chế, yếu kém trên đang là lực cản sự phát triển đi lên của tỉnh. Vì vậy, tại Đại hội này các đồng chí cần phân tích rõ về những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đề ra chủ trương, giải pháp khắc phục phù hợp cho nhiệm kỳ tới, để Thừa Thiên Huế có sự bứt phá mạnh mẽ, phát triển nhanh và bền vững hơn.

Thưa các đồng chí,

Trong những năm tới, tình hình anh ninh, chính trị thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế phục hồi nhưng chậm và chưa vững chắc. Nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, nhiều Hiệp định Thương mại đã ký với các nước trong khu vực, trên thế giới và có thêm những cơ chế hợp tác kinh tế, chính trị mới như hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)… Nhiều thời cơ, thuận lợi đem lại, nhưng cũng xuất hiện không ít những khó khăn, thách thức. Điều này đòi hỏi Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta, trong đó có Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phải nỗ lực hơn nữa, tận dụng thời cơ, phát huy thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Về các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ tới được nêu trong Báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh, tôi cơ bản tán thành và đề nghị các đồng chí gắn việc xây dựng và thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh với thực hiện Thông báo Kết luận số 175-TB/TW, ngày 01-8-2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khoá X về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020”; đồng thời, xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề để Đại hội tập trung nghiên cứu, thảo luận nhằm đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống :

1- Thừa Thiên Huế là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, là địa phương hội tụ đầy đủ các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế toàn diện, mở rộng giao lưu, liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là phải đổi mới tư duy và phương thức hành động trong điều kiện hội nhập để phát triển; cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư gắn với tăng cường xúc tiến đầu tư để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trọng tâm là đầu tư phát triển, mở rộng không gian đô thị Huế nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về di sản văn hoá gắn với kinh tế biển và đầm phá. Đồng thời, phát triển mạnh khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành trung tâm kinh tế, đô thị động lực và cảng Chân Mây là cảng du lịch quốc gia để tạo sự phát triển đột phá về kinh tế trong nhiệm kỳ tới.

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức. Ưu tiên phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với những sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét đặc thù của vùng đất văn hoá Huế để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung phát triển các dịch vụ có thế mạnh, nhất là y tế, văn hoá, giáo dục gắn với phát triển du lịch và các dịch vụ công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, xem đây là hướng đột phá để tái cơ cấu mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững nhằm xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm dịch vụ lớn của khu vực miền Trung và cả nước. Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm phát triển một nền nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Đặc biệt, phát huy lợi thế của tỉnh có vùng bờ biển dài 128 km và 22 nghìn héc-ta diện tích đầm, phá để thu hút đầu tư phát triển, đưa vùng biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành một trong những khu vực kinh tế biển mạnh của cả nước.

2- Tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trước hết là thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển đô thị với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn minh và hiện đại. Phát huy lợi thế so sánh của thành phố Huế để xây dựng và phát triển đô thị Thừa Thiên Huế mở rộng. Đặc biệt, hình thành bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị Thừa Thiên Huế có bản sắc riêng của vùng đất văn hiến, văn hoá Huế; với thành phố Huế là đô thị hạt nhân được kết nối với các đô thị vệ tinh, có môi trường sinh thái trong lành, thân thiện, mạng lưới giao thông và hạ tầng công trình công cộng hoạt động thông suốt, an toàn, thuận tiện; tạo cho đô thị Thừa Thiên Huế có nét độc đáo riêng, có sự phát triển hài hoà giữa đô thị hiện đại với cảnh quan thiên nhiên đẹp, giữa bảo tồn các di sản Cố đô với cải tạo và xây dựng mới. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hạ tầng cấp thoát nước, cấp điện, xử lý chất thải, hệ thống thuỷ lợi và thông tin liên lạc.

Đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông; quan tâm kêu gọi đầu tư hạ tầng hàng không và cảng biển nhằm tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tối đa nội lực, thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển du lịch, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng đất văn hiến Huế để xây dựng và phát triển trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc của khu vực và cả nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Huế, con người Huế; tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hoá, Festival; xứng đáng là thành phố văn hoá của ASEAN, thành phố bền vững môi trường của ASEAN. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại. Tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và cả nước để huy động cao nhất các nguồn lực phát triển.

3- Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và khoa học – công nghệ; xây dựng và phát triển Đại học Huế thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của quốc gia và ngang tầm với các đại học trong khu vực, từng bước đạt chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển nền kinh tế tri thức. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế có thương hiệu quốc tế, trở thành trung tâm y học cao cấp, gắn với xây dựng trung tâm khoa học - công nghệ của khu vực miền Trung và cả nước.

Cùng với phát triển kinh tế, phải thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống các gia đình, các đối tượng chính sách, người có công với nước, và người nghèo; giải quyết tốt vấn đề việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là đồng bào ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất để người dân sinh sống.

4- Phải thường xuyên kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh. Bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông, tạo môi trường lành mạnh, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

5- Quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên, xem đây là nhiệm vụ then chốt và phải làm thường xuyên, hiệu quả. Phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên tự phê bình và phê bình; nêu cao tinh thần đoàn kết trong toàn Đảng bộ. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và trình độ ngang tầm nhiệm vụ mới. Tăng cường và nâng cao chất lượng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đổi mới công tác dân vận của Đảng; thực hiện tốt các chính sách về tôn giáo, dân tộc; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân; thường xuyên chăm lo củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thưa các đồng chí,

Đại hội cần tập trung đầu tư công sức, trí tuệ tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Và một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đại hội là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 thật sự đoàn kết, tiêu biểu cho trí tuệ, năng lực và phẩm chất của Đảng bộ, có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là hạt nhân lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ. Tôi đề nghị các đồng chí đại biểu Đại hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, công tâm và khách quan. Trong đó, phải nắm vững các tiêu chuẩn của cấp uỷ theo quy định của Trung ương, nhất là các tiêu chuẩn được nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở tiêu chuẩn là chính, cần có cái nhìn toàn diện giữa tiêu chuẩn và cơ cấu một cách hợp lý, để bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ trên các lĩnh vực quan trọng; chú ý cấp uỷ viên là cán bộ trẻ, cán bộ nữ theo tinh thần Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, Đại hội cần xem xét lựa chọn những đồng chí xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, để bầu vào đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Các đại biểu tham dự Đại hội - Ảnh: Võ Nhân.

Thưa các đồng chí,

Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang. Phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu to lớn đã đạt được trong 30 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cần có quyết tâm chính trị cao, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để đưa tỉnh nhà thành tỉnh giàu đẹp, cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp ! Chúc các đại biểu và toàn thể các đồng chí, đồng bào mạnh khoẻ, hạnh phúc, thành công !

Xin trân trọng cảm ơn.