Tạo hình từ rễ cây đòi hỏi người thợ phải biết tư duy và óc sáng tạo

Biết nhìn dáng rễ

Có dịp quẩn quanh nhiều cơ sở mộc mỹ nghệ, chúng tôi không khó để bắt gặp những bộ rễ cây xù xì, gốc cây thô kệch nằm la liệt. Nhưng đó không phải là những thứ bị vứt bỏ mà là nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm điêu khắc.
Cơ sở điêu khắc mộc mỹ nghệ của anh Nguyễn Phước Tứ (thôn Mỹ An, huyện Phú Vang) chuyên sử dụng nguyên liệu là các bộ rễ cây, gốc cây. Khi chúng tôi đến, những người thợ đang miệt mài với tiếng đục đẽo để tạc các bức tượng. Với niềm đam mê điêu khắc, anh Nguyễn Phước Tứ chọn cho mình hướng đi riêng đó là tạo ra sản phẩm từ rễ cây và gốc cây. “Trước khi trở thành một người thợ có tay nghề, tui phải trải qua nhiều năm học nghề ở trong tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên. Không như tạc tượng từ thân cây, người tạc tượng từ rễ cần phải tỉ mỉ, tinh tường, cẩn thận trong từng đường nét bởi rễ cây có hình thù phức tạp, không mang bất cứ một khối hình nào cụ thể”, anh Tứ chia sẻ.   
Theo anh Tứ, có được một tác phẩm điêu khắc xuất sắc từ rễ cây, điều quan trọng là người thợ phải có tư duy, con mắt nhìn ra hình dáng của sản phẩm từ bộ rễ nguyên liệu. Có như thế, sau khi bắt tay vào việc tạo hình mới cho ra được sản phẩm như ý. Anh Tứ cho biết: “Rễ cây được mua từ vườn của nguời dân, những lúc khan hiếm có khi tụi tui phải tự tìm kiếm. Trước khi mua, người thợ cần ước lượng được hình dáng, kiểu thế cho pho tượng chuẩn bị làm. Sau đó, phác thảo sơ qua ngay trên bộ rễ rồi tiến hành chạm khắc. Muốn sản phẩm đẹp, có hồn, người thợ luôn phải cẩn trọng trong từng đường nét, tỉ mẩn trong mỗi họa tiết để bức tượng toát lên được sắc thái biểu cảm”.
“Không phải lúc nào mình cũng mua được rễ cây để đẽo tượng bán cho khách hàng nên việc khách hàng tự đem rễ cây đến để mình đẽo tượng là rất phổ biến. Khách hàng thường không hiểu lắm về chuyên môn nên họ lúng túng trong việc chọn dáng hình cụ thể cho bộ rễ nguyên liệu. Vì vậy, mỗi người thợ cần phải biết tư vấn cho họ nhằm tạo ra được một sản phẩm phù hợp nhất” - anh Tứ trải lòng.
Khan hiếm nguyên liệu
Theo nhiều thợ điêu khắc gỗ, hơn chục năm trước, những bộ rễ, gốc cây không được đoái hoài. Nhưng hiện nay, nghề điêu khắc phát triển mạnh thì những bộ rễ, gốc cây của những loài gỗ quý được săn tìm ráo riết. Anh Nguyễn Vinh, thợ điêu khắc tại Cơ sở điêu khắc Thái Vinh (40 Nguyễn Sinh Cung, TP Huế) cho biết: “Không chỉ có hình dáng lạ mắt mà vì ẩn sâu dưới lòng đất nên chất lượng gỗ lẫn tuổi thọ của chúng cao hơn nhiều so với các bộ phận khác. Bởi thế có nhiều khách hàng tìm đến chúng tôi để có được những sản phẩm điêu khắc từ rễ cây”.
Ngoài các loài gỗ quý, có độ bền cao, các cơ sở điêu khắc thường sử dụng các bộ rễ gốc cây mít, tra, hương để tạo nên những sản phẩm điêu khắc độc đáo. Sản phẩm họ làm ra chủ yếu là những bức tượng Phật, tượng các vị thần, long, ly, quy, phụng hoặc những vật dụng nội thất được trưng bày trong gia đình... “Không dễ tìm ra một bộ rễ cây ưng ý để tạo ra sản phẩm phù hợp. Một bộ rễ phải có tuổi thọ chừng 30 năm mới có thể đẽo được tượng. Bây giờ, gốc gỗ mít được đa số khách hàng ưa chuộng”, anh Vinh chia sẻ.
Một sản phẩm mộc mỹ nghệ được tạo ra từ gỗ nói chung và gốc cây nói riêng thường trải qua các công đoạn như: chọn nguyên liệu, xử lý nguyên liệu, đục, gọt chi tiết, sơn PU tạo thẩm mỹ. Nhưng với nghề tạo hình từ rễ cây thì khả năng tư duy, óc sáng tạo quyết định sự thành bại của một tác phẩm. “Tạc tượng từ một bộ rễ thường mất nhiều công sức hơn từ gỗ nguyên khối. Kinh nghiệm của tui cho thấy rằng, trước khi bắt tay vào làm một sản phẩm từ rễ, người thợ cần dành một khoảng thời gian nghiền ngẫm, tư duy hình khối nhằm tạo sự hài hòa, gắn kết giữa các phần trên rễ cây thành một thể thống nhất. Nghề điêu khắc gỗ nay đỡ vất vả khi có sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc hiện đại. Tuy nhiên, các khâu cơ bản để tạo nên một sản phẩm đẹp mắt chủ yếu dựa vào bàn tay con người”, anh Tứ đúc rút.
Bởi lắm công phu nên người thợ cần một khoảng thời gian khá dài để tạo ra sản phẩm từ gốc, rễ cây. Theo đó, giá thành của các sản phẩm này cũng đắt hơn so với các sản phẩm điêu khắc thông thường. Anh Tứ cho biết: “Thời gian tạc tượng từ gốc, rễ cây gấp từ 2-3 lần so với khối gỗ thông thường. Một bộ rễ to có khi đẽo cả tháng vẫn chưa thể hoàn thành sản phẩm. Để khách hàng dễ hình dung, khi họ đến đặt sản phẩm hay mang gốc cây đến nhờ đẽo thì tui có sẵn một cuốn catalog để tham khảo rồi định giá”.
Bài, ảnh: LÊ THỌ