Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi

Theo TAND Tối cao, quá trình chung sống, ông Nguyễn Đức Cư (nguyên đơn, tạm trú 127 Trần Phú, Trường An, Huế) và bà Lê Thị Hường (bị đơn, trú 69 An Dương Vương, phường An Đông, Huế) thừa nhận có ba con chung: Nguyễn Đức Tuấn (1991), Nguyễn Thị Quỳnh Nga (1994) và Nguyễn Thị Thu Hà (2002). Hai cháu đầu có lời khai xin ở với mẹ và cả hai ông, bà đều thống nhất giao các con cho mẹ nuôi. Trong thực tế, bà làm nghề uốn tóc tại nhà, còn chồng cũ không có nghề nghiệp, nên không có thu nhập (điều này được chính bà thừa nhận tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Huế). Do đó, TAND cấp phúc thẩm căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của ông này và buộc phải cấp dưỡng nuôi con với mức 250.000 đồng/tháng/con là có căn cứ.
 
Nay, bà Lê Thị Hường khiếu nại yêu cầu ông Nguyễn Đức Cư phải cấp dưỡng nuôi con với mức 300.000 đồng/tháng/con, nhưng bà không đưa ra chứng cứ để chứng minh chồng trước đây có nghề nghiệp và thu nhập ổn định, nên không có cơ sở để TAND Tối cao chấp nhận. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, bà vẫn có quyền yêu cầu TAND thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con theo quy định tại khoản 2, điều 53 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000: “Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu TAND giải quyết”.

Do lấn chiếm nhà ở (bên phải) mà mẹ con bà Lê Thị Hường bị chính quyền TP Huế ra quyết định xử phạt

 
Mỗi người hưởng ½ giá trị tài sản là có căn cứ
 
Đối với nhà, đất mua của ông Nguyễn Đình Thanh, bà Hoàng Thị Lài tại 69 An Dương Vương, căn cứ giấy xác nhận ngày 4/2/1991 của ông Nguyễn Đình Thanh, các biên bản lấy lời khai ngày 12/12/2007 của bà Hoàng Thị Lài và ngày 23-1-2008 của ông Nguyễn Quế (tổ trưởng Tổ dân phố), biên bản xác minh ngày 25/12/2007 của ông Hòa (cán bộ Tư pháp UBND phường An Đông), lời khai của ông Nguyễn Quế, bà Nguyễn Thị Đậu (mẹ đẻ bà Lê Thị Hường) tại phiên tòa sơ thẩm và các chứng cứ khác trong hồ sơ, TAND Tối cao nêu rõ có đủ cơ sở xác định: Gia chủ đã bán nhà, đất nói trên cho ông Nguyễn Đức Cư và bà Lê Thị Hường (không phải chỉ bán nhà đất này cho một mình bà, như bản thân trình bày); đồng thời, nguồn tiền mua nhà, đất là của cả hai cùng bỏ tiền ra mua.
 
Hơn nữa, ngày 29/8/2001, ông Nguyễn Đức Cư và bà Lê Thị Hường đã viết giấy cam kết về quyền sở hữu nhà (QSHN) và thửa đất ở đang sử dụng với nội dung: Toàn bộ ngôi nhà có diện tích 97m2 nói trên, do vợ chồng ông, bà bỏ tiền ra mua lại của vợ chồng ông Nguyễn Đình Thanh vào năm 1990, với giá trị tại thời điểm đó là 4 triệu đồng, được UBND xã Thủy An (nay phường An Đông) ký vào ngày 18/12/1990. Ông và bà có ký tên và lăn tay vào giấy này (UBND xã Thủy An có xác nhận). Kể từ đó, ông bà sửa chữa lại nhà ở và sinh sống ổn định cũng như không xảy ra tranh chấp kiện tụng. Điều này cũng đã được chính bà thừa nhận tại biên bản hòa giải ngày 4/10/2007: “Năm 2001, khi làm giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với thửa đất dưới căn nhà 69 An Dương Vương, tôi có ký và được UBND xã Thủy An ký xác nhận. Tôi và anh Nguyễn Đức Cư đều lăn tay trong giấy cam kết về QSHN và thửa đất đang sử dụng vào ngày 29/8/2001 với diện tích đất 97m2 (bà có ký tên hẳn hoi)”.
 
Vì vậy, theo TAND Tối cao, việc bà Lê Thị Hường cho rằng, căn nhà 69 An Dương Vương là tài sản riêng của bà, nên bản thân yêu cầu được hưởng 70% và ông Nguyễn Đức Cư được hưởng 30% tổng giá trị tài sản là không có căn cứ. Cả hai TAND cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã xác định nhà, đất nói trên là tài sản chung của bà cùng chồng cũ và chia mỗi người hưởng ½ giá trị tài sản là có căn cứ. Do đó, TAND Tối cao khẳng định không có cơ sở xem xét, giải quyết theo yêu cầu của bà.
 
Xử phạt VPHC về quản lý nhà ở cả mẹ lẫn con 50 triệu đồng
 
Như Báo Thừa Thiên Huế đã đề cập, để bảo đảm bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án Dân sự TP Huế đã cưỡng chế bà Lê Thị Hường buộc giao một nửa nhà và QSDĐ cho ông Nguyễn Đức Cư. Sau khi làm thủ tục, ông này được UBND TP Huế cấp GCN QSDĐ ngày 17/4/2009 và chưa đầy một tháng sau, ông làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ gắn nhà ở cho ông Đặng Uyển, bà Phan Thị Như Ý (trú 80 Yết Kiêu, Thuận Hòa, Huế). Khi việc bàn giao nhà hoàn tất, vợ chồng ông Đặng Uyển khóa nhà cẩn thận; đồng thời, làm các thủ tục và được Văn phòng Đăng ký QSDĐ TP Huế chuyển QSDĐ gắn nhà ở nói trên vào ngày 11-1-2010. Mười ngày sau, khi ông đến sửa chữa nhà này thì phát hiện khóa bị cắt và trong nhà có gia đình bà Lê Thị Hường đến ở tự bao giờ cùng với sự hiện diện của các vật dụng khác. Việc chiếm giữ trái pháp luật ngôi nhà của bà, buộc chủ sở hữu hợp pháp phải viết đơn tố cáo hành vi nói trên.
 
Sau khi TAND Tối cao ban hành văn bản trả lời đương sự nói trên, căn cứ Biên bản vi phạm hành chính (VPHC) 01/BB-VPHC, do Công an TP Huế lập ngày 24/2/2011, Chủ tịch UBND TP Huế Phan Trọng Vinh ban hành các quyết định 4364, 4365/QĐ-XPHC cùng ngày 13/7/2011 xử phạt VPHC về quản lý nhà ở đối với ông Nguyễn Đức Tuấn và bà Lê Thị Hường bằng các hình thức phạt chính mỗi đối tượng 25 triệu đồng; đồng thời, các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc các đương sự trả lại nhà ở cho chủ sở hữu hợp pháp, do đã có hành vi lấn chiếm nhà ở. Mẹ con bà Lê Thị Hường có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt này trong thời hạn mười ngày (quá thời hạn trên, nếu mẹ con bà không chấp hành quyết định xử phạt thì bị các cơ quan chức năng cưỡng chế thi hành).
 
Ngoài ra, quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND TP Huế cũng nêu rõ mẹ con bà Lê Thị Hường có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật; đồng thời, giao CATP Huế chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện quyết định này.
 
 Bài và ảnh: Vĩnh Cự