Trong báo cáo của nhà nước gần đây có gần 178.000 cử nhân trở lên thất nghiệp và bài toán được giải là thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Từ sự nhận thức đó nên dư luận đang xác định lại hướng đi cho con em mình theo hướng học nghề để có việc làm hay bằng mọi giá phải vào ĐH và chấp nhận rủi ro thất nghiệp. Tại sao cử nhân lại thất nghiệp?
Học thời điện thoại
Những ngày đầu năm học mới, tôi như bị choáng vì quá bất ngờ đối với sự phát triển rất nhanh của xã hội nói chung và công nghệ thông tin nói riêng. Khi tôi đứng trước lớp để giảng bài thì có không ít sinh viên lén lút chơi game, mặc dù được nhắc nhở nhưng các “game thủ” chẳng thèm quan tâm. Mỗi khi tôi chiếu một nội dung bài học nào đó lên màn hình thì hàng chục, thậm chí hàng trăm chiếc điện thoại được giương lên để chụp lại. Sinh viên giờ lười đến mức không thể ghi chép bài học! Nhưng khi thầy có ý kiến thì hầu hết sinh viên đều nêu lý do: “Hiện nay, công nghệ hiện đại thì phải phát huy chứ thầy, đã là thời nào rồi mà dùng tập vở ghi bài. Em chụp lại thì về nhà còn có động lực xem vì suốt ngày nghịch điện thoại, thậm chí up lên Facebook để cùng học chung với các bạn. Còn ghi bài trong vở là về nhà các bạn cũng giống em mà bỏ luôn thôi, lười học lắm...”.
Sinh viên tìm thông tin việc làm. (Ảnh: Quỳnh Anh)
Nếu sinh viên đến lớp chỉ để chơi game và chờ đến lúc chụp hình bài giảng và tưởng rằng mình đã học xong ĐH thì trước hay sau gì cũng sẽ có ít nhất một lần đầu quân vào đội ngũ... thất nghiệp, trừ trường hợp sinh viên đó có lý luận “đúng quy trình” của riêng mình. Bởi lẽ, tri thức được hình thành thông qua sự khổ luyện, trong đó có đọc, ghi, nghe, nói, tranh luận và thực nghiệm. Không có tri thức thì sự sáng tạo không tự nhiên xảy ra.
Từ đó cho thấy thất nghiệp không tự nhiên xảy ra mà nó là kết quả của rất nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là nguồn nhân lực không đủ yêu cầu, trình độ, tri thức, lý luận, thực tiễn để đáp ứng yêu cầu công việc hiện có hoặc sáng tạo ra công việc mới. Để tránh thất nghiệp, đòi hỏi mỗi người phải tự chủ động có ý thức trang bị tri thức cho chính mình để khi có điều kiện thì sự sáng tạo nảy sinh. Mang theo tri thức bên mình cũng như mang 2 hòn đá, dù có đi trong bóng tối nhưng chỉ cần gặp được cỏ khô thì sẽ thắp sáng lên. Có việc làm dù tệ cũng còn hơn thất nghiệp, có tri thức mà để thất nghiệp thì khác nào mang chiếc bật lửa đứng yên trong bóng tối, mà không bước đi thì làm sao tìm được cỏ khô.
Việc rất nhiều nhưng...
Một công việc có thể cần rất nhiều người làm nhưng cũng có thể một người làm được rất nhiều công việc. Công việc do con người sáng tạo ra thông qua kỹ năng nắm bắt cơ hội. Cuộc sống luôn đặt ra nhu cầu sáng tạo công việc mới (gần đây dư luận bất ngờ vì công việc dạy ngoại ngữ cho... chó với mức lương hàng trăm triệu đồng mỗi tháng) hoặc tăng quy mô công việc hiện tại thông qua mở thêm công ty, văn phòng hoặc chi nhánh. Như vậy, nếu mỗi con người đều ý thức được việc phải sáng tạo hoặc mở rộng công việc cho chính mình thì tất yếu số lượng công việc phải rất nhiều.
Nếu suy luận theo hướng đó thì thất nghiệp là do có nhiều người không thể sáng tạo được công việc cho chính mình và đang nằm chờ công việc của người khác sáng tạo dư thừa ra. Thất nghiệp càng nhiều thì càng chứng tỏ số lượng nằm ì̀ chờ đợi đó càng lớn.
Tôi cho rằng cái căn bản của thất nghiệp là thiếu lý luận, thiếu thực tiễn và thiếu sáng tạo. Không có căn cứ nào chứng minh cho việc có bằng ĐH mà đi làm công nhân là lãng phí cả, tri thức có giá trị vô hình và sẽ được phát huy trong thực tiễn. Người không đi học làm công nhân thì như con kiến tha mồi, cần mẫn là được. Nhưng người có bằng ĐH nếu tình thế bắt buộc phải làm công nhân thì họ làm tốt hơn và nắm bắt nhanh hơn người không đi học. Nếu công nhân là người không có học thì phải mang nghiệp công nhân cả đời nhưng người có bằng ĐH vì tình thế phải làm công nhân thì trong một thời gian họ cũng sẽ chia tay với thân phận công nhân để phát triển ở một bước cao hơn.
Tôi không đồng tình với quan niệm có bằng ĐH mà làm công nhân, làm trái nghề là nhục nhã hoặc lãng phí. Chính sự nằm ì̀ để thất nghiệp mới là nhục nhã và lãng phí nguồn nhân lực. Có thể ngày hôm nay, công việc của họ làm chưa tương xứng với bằng cấp và kiến thức họ học được nhưng đó là giai đoạn họ đang chuyển biến dần để thay đổi. Khi sự chuyển biến đó có điều kiện là sáng tạo nảy sinh, công việc tốt hơn xuất hiện và người ta sẽ yêu thích công việc mới.
Vì vậy, khi còn trên ghế nhà trường thì mỗi người phải tự trang bị kiến thức thật vững chắc cho chính mình (lý luận), ra trường thì mạnh dạn cọ xát với bất kỳ môi trường thực tiễn nào đó để nắm bắt cơ hội cho sáng tạo nảy sinh. Đó chính là cách tốt nhất để không thất nghiệp và phát triển toàn diện bản thân.
ThS Đặng Hoàng Vũ (Giảng viên đại học) - Theo Người Lao Động