Nét sinh hoạt đời thường của người dân tạo ấn tượng cho du khách

Sau khó khăn sẽ là thuận lợi

“Ăn mặc áo quần đẹp, sang trọng lúc dẫn khách vào tham quan khu vườn, một thửa ruộng, mô hình sản xuất, chăn nuôi… của gia đình mình chưa chắc đã tạo được ấn tượng, mà với những bộ áo quần lao động bị bạc màu, sờn vai, lấm lem bùn đất… quen thuộc hằng ngày mới thật sự gây ấn tượng gần gũi với du khách khi tham gia tour du lịch cộng đồng”. Ông Hoàng Văn Khánh chia sẻ.
Đang trở thành xu hướng mới, du lịch cộng đồng từng bước góp phần làm thay đổi đời sống của người dân nông thôn khi chính người dân cùng tham gia và hưởng lợi từ du lịch. Sau nhiều năm thí điểm và triển khai, bên cạnh những mô hình có hiệu quả ở Quảng Lợi, Thủy Thanh, Thủy Biều, A Lưới…thì nhiều nơi vẫn đang gặp khó. Nguyên nhân chính là do người dân mới chuyển đổi làm du lịch nên thiếu kinh nghiệm, cũng như chưa định hình thương hiệu trên bản đồ du lịch khi mới manh nha những bước đầu tiên.
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho biết: “Nguyên nhân khách quan cũng là hàng đầu khiến các mô hình du lịch cộng đồng dễ đi vào “ngõ cụt” là vào mùa cao điểm lượng khách đến nhiều, còn khi bước sang mùa thấp điểm thì lượng khách giảm đáng kể. Khoảng 1 tuần đến nửa tháng mới đón được một đoàn khách, thậm chí lâu hơn, từ 2-3 tháng, nên thu nhập không bù lại cho vốn và công sức bỏ ra. Vì vậy, nhiều người dân quay trở lại làm những công việc trước kia, dù thu nhập ít nhưng ổn định. Một mô hình du lịch cộng đồng phải qua một thời gian thực hiện, khắc phục nhiều khó khăn, tồn tại mới có thể phát huy hiệu quả. Quan trọng là người dân không nên thấy khó trước mắt mà “nản” rồi bỏ nửa chừng. Bởi vì sau một thời gian chắc chắn sẽ tạo được thương hiệu, du khách biết đến nhiều hơn”.
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế cho rằng, chính lượng khách không ổn định đã khiến các mô hình du lịch cộng đồng có “tuổi thọ” thấp. “Ngoài nguyên nhân trên thì có thêm một vấn đề nữa mà người dân cần nhìn nhận đúng khi thực hiện, đó là sự hiểu nhầm về mục đích. Kết hợp làm du lịch để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống của gia đình chứ không phải bỏ “ngang” công việc trước đó để sang làm du lịch. Người dân từ công việc đồng áng, kiến thức về kinh doanh đã ít, kinh doanh du lịch lại càng ít hơn nên dẫn đến thất bại là chuyện dễ hiểu. Bởi thế, sự chuyển đổi cần từng bước, vào những ngày không đón khách, người dân vẫn làm công việc trước đó, qua thời gian, nếu thu nhập du lịch đã ổn định, đủ khả năng thay thế các công việc khác rồi chuyển đổi hoàn toàn”.
Về thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền chứng kiến người dân làm du lịch chúng tôi rất bất ngờ vì tính chuyên nghiệp và sự hấp dẫn của sản phẩm. Dịch vụ do người dân cung cấp đã đáp ứng được nhu cầu của du khách, không những vậy, những sinh hoạt đời thường, phong cách ăn uống, lối ứng xử hằng ngày… được diễn ra bình thường, không theo một “kịch bản” nào càng thu hút du khách hơn. Theo đánh giá của phòng Văn hóa Thông tin huyện Quảng Điền, để xây dựng được thương hiệu là sự nỗ lực của chính quyền và người dân, thông qua nhiều lớp tập huấn, khắc phục những tồn tại trong thực tiễn và đặc biệt là sự đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và tăng cường các dịch vụ kèm theo.
Tăng cường phối hợp
Theo ông Trần Quang Hào, một tour du lịch được xem là thành công khi ngày nào cũng có khách tham gia. Hiện nay, ngoài tour tham quan di sản, lăng tẩm, chùa chiền thì tour khám phá Tam Giang là một trong những tour thành công nhất. “Sở dĩ tour phá Tam Giang thu hút khách như vậy là qua một thời gian tổ chức nay đã xây dựng được thương hiệu riêng, những khó khăn đã “bảo hòa” nay chuyển qua giai đoạn thuận lợi hơn. Dù 1 khách, 10 khách, hay nhiều hơn thì tour vẫn được triển khai bởi vì chi phí và lợi nhuận giữa cộng đồng và doanh nghiệp được đảm bảo. Đây là yếu tố quan trọng tạo hiệu ứng để người dân tích cực hơn trong việc làm du lịch”, ông Trần Quang Hào chia sẻ.
Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Footsteps Travels, chi nhánh Huế phân tích: “Yếu tố quyết định để khắc phục khó khăn và tạo hiệu quả bền vững là sự phối hợp chặt chẽ giữa “bộ ba” Nhà nước, người dân và doanh nghiệp lữ hành. Đó là sự nỗ lực, tìm tòi học hỏi để hoàn thiện của người dân; doanh nghiệp xây dựng tour tuyến và hỗ trợ của Nhà nước về xúc tiến quảng bá cho điểm đến, chính sách kích cầu hay những hay hỗ trợ người dân vốn và mặt bằng. Trong đó, Nhà nước chính là cầu nối giữa doanh nghiệp và người dân, điều chỉnh và làm hài hòa lợi ích giữa các bên. Bộ ba này phải hoạt động nhịp nhàng, thường xuyên gặp gỡ để tìm tiếng nói chung trong cơ chế hoạt động và kịp thời khắc phục những yếu kém đang tồn tại”,
 “Cần gắn kết cộng đồng người dân làm du lịch với nhau như một hợp tác xã, có một cá nhân đứng ra điều phối, luôn chuyển phân chia khách hợp lý sao cho các thành viên trong cộng đồng được hưởng lợi như nhau. Khi đã gắn kết và hài hòa lợi ích sẽ dễ đi đến sự thống nhất chung về các quy tắc hoạt động, chất lượng các dịch vụ của các thành viên được nâng cao và tương đồng nhau. Khi một cộng đồng làm du lịch đã cho hiệu quả, có thể áp dụng và nhân rộng cho những cộng đồng khác nhằm hướng đến xã hội phát triển hơn”, ông Trần Quang Hào góp ý.
Bài, ảnh: Đức Quang