Nhà Moong ở A Lưới

Không chỉ cho người sống

Vai trò của trung tâm là đa dạng hóa nội dung giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân; đưa lớp học về gần với người học, tổ chức các hình thức học tập linh hoạt, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia học tập, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc và hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Ở một cụm dân cư, nhu cầu về một địa chỉ là nơi tổ chức đám cưới, ma chay cho người qua đời vô cùng cần thiết, nhất là khi hình thành những khu nhà cao tầng. Cũng vậy, hiện không cứ vào các “ngày tốt” mà bất kỳ một ngày nào đó, trên đường đưa con đi học, đi làm, hay đi chơi bạn cũng có thể thấy một gia đình nào đó làm rạp cưới, nhất là làm tang ma cho người thân ngay trên vỉa hè, còn lấn ra đường đi gây cản trở giao thông. Lý do đơn giản, tổ chức đám tang cho người chết ở nhà đã đành, còn cưới xin, vì điều kiện kinh tế, gia đình cô dâu, chú rể không đủ kinh phí thuê hôn trường với chỗ ngồi nơi rẻ cũng đến 15.000đồng/ ghế, nơi đắt có thể lên 25.000 đến 30.000đồng/chỗ ngồi…Vậy, làm sao để người dân có điều kiện và thói quen tổ chức, hôn, tế ở những nơi trang nghiêm là cách làm phải được bắt đầu từ hôm nay, với những địa điểm mang đủ điều kiện tổ hợp về nơi vui chơi, học tập và tang, hỷ…và TTHTCĐ chính là địa chỉ cần có để lãnh nhận trách nhiệm này bên cạnh công năng như nơi hội họp, CLB vui chơi giải trí.
Đã có, nhưng…
Nhằm “đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”, Thừa Thiên Huế thực hiện đa dạng hóa các loại hình học tập, trong đó có nhiệm vụ thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ, một cơ sở giáo dục thường xuyên tại xã, phường, thị trấn. Mô hình TTHTCĐ kết hợp với trung tâm văn hóa, thể thao, tạo ra một địa chỉ có giá trị ở phường, xã về hoạt động văn hóa, xã hội đã được quan tâm phát triển. Với phương thức hoạt động mở phù hợp theo nhu cầu “cần gì học nấy”, các TTHTCĐ thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham gia học tập với định hướng xây dựng “nhà trường nhân dân”. Từ năm 2011, gần 100% phường, xã trong tỉnh đã có TTHTCĐ. Tuy nhiên, về chất lượng, vẫn là vấn đề cần bàn để tăng tính hiệu quả của một đề án nặng trĩu tính nhân văn; hoặc cứ để cho các phường, xã “cố làm cho có” rồi cửa khóa, then cài hoặc cho thuê làm hàng quán.
Theo đánh giá từ Phòng Giáo dục và Đào tạo các vùng khó khăn, TTHTCĐ hiện giữ vai trò khá quan trọng, góp phần đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Một số trung tâm hoạt động hiệu quả với các nội dung phong phú, đa dạng, gắn với nhu cầu học tập thiết thực của người dân. Các nội dung tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; dạy nghề tạo việc làm; xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, học tin học, ngoại ngữ; tổ chức các chuyên đề nâng cao chất lượng cuộc sống được triển khai thường xuyên. Ngoài ra, thông qua các lớp học chuyển giao, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã áp dụng vào thực tiễn sản xuất gia đình vùng sâu, vùng xa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số xã biên giới với đa số là người dân tộc thiểu số, với sự có mặt của các TTHTCĐ, số người mù chữ đã không còn, tỷ lệ người dân vi phạm pháp luật cũng giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, mô hình này còn giúp đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.           Trong chuyến lên A Lưới vừa rồi, một cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện đã tận tình dẫn chúng tôi đến xã Hồng Vân thăm nhà Moong, công trình mang đặc trưng dân tộc Pa cô, cũng là một mô hình của TTHTCĐ. Chúng tôi đã “mục sở thị” một địa chỉ hội họp, vui chơi có tính sinh hoạt cộng đồng cao khá rộng rãi, thoáng mát của người dân thôn A Năm… Sau gần một tiếng chờ đợi những người dân từ nương rẫy trở về và khi những ráng mây chiều dừng lại trên đỉnh núi cũng là lúc đội văn nghệ xã tập trung. Trong điệu kèn và những bước nhảy tươi vui của các cô gái, chàng trai xống áo rộn rã sắc màu, cùng tiếng chiêng của những lão nông quắc thước… Dù vẫn có chút bài bản của một đội văn nghệ nhưng không lâu sau, ngoài những người khách từ xa tới, đã thấy quanh sân nhà Moong vài chục người, từ em bé tuổi dưới 10 đến các cụ già chống tẩu ngồi xem. Anh cán bộ VHTT huyện cho chúng tôi biết, ngôi nhà được đầu tư hơn 400 triệu đồng chưa kể phục trang, nhạc cụ… Mặc dù chưa phát huy hết công năng hoạt động, nhưng đó thực sự là địa chỉ vui chơi, sinh hoạt sau những giờ lao động của bà con ở đây.
Cần có thêm sự quan tâm

Lứa tuổi tiểu học rất cần sân chơi lành mạnh cạnh nhà

 
Ngay tại Huế cũng có những địa chỉ TTHTCĐ ít nhiều phát huy đúng tác dụng. Ông Phan Nam Trưởng phòng GD&ĐT TP Huế khẳng định, những nơi như phường An Cựu, Hương Long TTHTCĐ đã tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục rất hay, đã góp phần khẳng định giá trị của các địa chỉ này… Nhưng, trong chuyến công tác với Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc bà Cái Thị Cẩm Hương về vùng sâu của huyện, đi qua những TTHTCĐ các xã Vinh Giang, Vinh Hưng gần như để trống vì cửa bị khóa trái, bà Cẩm Hương trầm ngâm: “Sắp tới giáo dục sẽ tăng cường người để thúc tiến hoạt động của các trung tâm này. Nhưng hiện đây vẫn là một trong những điểm yếu, nhiều nơi còn lãng phí CSVC, chủ yếu vì các trung tâm vẫn chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể, thiết thực, chưa có người làm”…
Thiếu tài chính, tài liệu, phương thức và kiến thức quản lý; đồng thời thiếu cán bộ có năng lực và kinh nghiệm… một số trung tâm hiện hoạt động kém hiệu quả, nội dung và hình thức tổ chức nghèo nàn. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cấp, các ngành. Từ đó nhiều ngành, nhiều tổ chức xã hội chưa có trách nhiệm trong việc hỗ trợ các TTHTCÐ phát triển để trở thành chỗ dựa, địa chỉ tin cậy cho cộng đồng dân cư đến sinh hoạt, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, nâng cao hiểu biết về pháp luật cũng như thụ hưởng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần như cần có. Nhìn lại cả một hệ thống CSVC đã dành xây dựng các trung tâm của tỉnh, các nhà quản lý giáo dục, những người sẽ góp một phần trách nhiệm trong việc thúc đẩy sự vận hành đều còn nhiều băn khoăn. Để đi vào hoạt động hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Để mỗi TTHTCĐ thực sự là nền tảng hình thành xã hội học tập suốt đời, ngành GD&ĐT phải là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu giảng dạy, học tập, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ. Nhưng để thực hiện, vẫn thiếu một “cú hích” từ lãnh đạo cấp trên với một chương trình hoạt động hiệu quả.
Bài, ảnh: Hương Giang