Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền (thứ nhất) và ông Mai Khắc Chính tại cồn đất nguyên táng cụ Du Đức Hầu |
Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu (nhằm ngày 3/1/1766) tại phường Bích Câu, kinh thành Thăng Long. Cha là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708 – 1776), làm quan đến chức Tham tụng (Tể tướng) dưới triều Lê, mẹ là bà Trần Thị Tần quê ở Kinh Bắc.
Năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nghiễm thôi giữ chức Tể tướng, Nguyễn Du theo cha về quê, đến năm 13 tuổi thì mồ côi cả cha lẫn mẹ. Năm 1783, Nguyễn Du thi đỗ Tam trường, được tập ấm một chức quan võ của người cha nuôi họ Hà (Hà Mỗ) ở Thái Nguyên. Sau đó, Nguyễn Du lấy vợ là bà Đoàn Thị Huệ, người làng An Hải, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình), con gái của tiến sĩ Đoàn Nguyễn Thục. Năm Mậu Thân (1788), khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu Quang Trung, Nguyễn Du lánh về nhà anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn tại Thái Bình.
Khi bố vợ là Đoàn Nguyễn Thục qua đời, người con trai lớn mất, Nguyễn Du cùng người con trai nhỏ Nguyễn Tứ về quê cũ ở xã Tiên Điền. Trở lại quê, dinh cơ của cha đã tan hoang, anh em đôi ngả, Nguyễn Du thốt lên “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán” (trở về Hồng Lĩnh, gia đình không còn, anh em lưu tán khắp nơi). Nguyễn Du được bà con họ tộc chia cho mảnh đất tại thôn Thuận Mỹ làm nhà để ở. Cũng từ đây, Nguyễn Du có biệt hiệu “Hồng Sơn liệp hộ” (Người đi săn ở núi Hồng) và “Nam Hải điếu đồ” (Người câu cá ở bể Nam).
Cuối năm Quý Sửu, 1793, lần đầu tiên Nguyễn Du vào kinh đô Phú Xuân thăm anh ruột là Nguyễn Nễ và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn đang làm quan dưới triều Tây Sơn, Cảnh Thịnh.
Năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long lên ngôi, Nguyễn Du được bổ làm Tri huyện Phù Dung; rồi làm Tri phủ Thường Tín. Năm sau ông được cử cùng phái bộ nghênh tiếp sứ thần nhà Thanh sang sắc phong cho vua Gia Long. Năm Ất Sửu (1805), ông được thăng Đông Các học sĩ, tước Du Đức hầu. Tháng 9 năm Đinh Mão (1807) giữ chức giám khảo thi Hương ở Hải Dương. Năm Kỷ Tỵ (1809), ông giữ chức Cai bạ tỉnh Quảng Bình. Tháng 2 năm Quý Dậu (1813) vua triệu ông về kinh, được thăng Cần Chánh điện học sĩ, và cử đi sứ Trung Quốc với tư cách là Tuế cống Chánh sứ. Tháng 4 năm Giáp Tuất (1814), Nguyễn Du trở về nước, được vua Gia Long thăng chức Hữu Tham tri Bộ Lễ. Ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (nhằm 3.2.1820), vua Gia Long mất, tháng 4 năm ấy Minh Mạng lên ngôi, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang. Công việc đang chuẩn bị, chưa kịp lên đường thì ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16/9/1820), Nguyễn Du ốm nặng rồi mất vì căn bệnh dịch tả hiểm nghèo, gia đình, thân hữu đưa thi hài cụ đến an táng ở cánh đồng Bàu Đá (Thạch Bàu), Hậu Thôn, thuộc làng Kim Long, tổng Kim Long, huyện Hương Trà, thọ 55 tuổi.
Sách Đại Nam thực lục chính biên cho biết: “Canh Thìn, năm Minh Mạng thứ 1 (1820), mùa thu...Vua dụ bầy tôi rằng: “Gần đây lệ khí lan tràn từ Gia Định trở ra đến Quảng Bình nhiều người ốm chết, trẫm nghe thấy rất lấy làm thương...
Hữu Tham tri Bộ Lễ là Nguyễn Du chết. Du là người Nghệ An rộng học giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì... Đến bây giờ có mệnh sai sang nước Thanh, chưa kịp đi thì chết. Vua (Minh Mạng) thương tiếc, cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống. Khi đưa tang về lại cho thêm 300 quan tiền”.
Nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du đặt tại cánh đồng Bàu Đá, làng Kim Long, huyện Hương Trà, dinh Quảng Đức, năm 1822 Minh Mạng đổi dinh Quảng Đức làm phủ Thừa Thiên. Từ buổi người Việt vào Thuận Hóa định cư đến nay, vùng này chỉ duy nhất một địa danh mang tên Bàu Đá của xóm Hậu Thôn hay còn gọi là Bàu Thôn. Nơi cụ Nguyễn Du nằm cách nhà thờ họ Mai Bá (đến đời thứ 6 thì đổi thành Mai Khắc bắt đầu từ cụ Mai Khắc Đôn, thầy dạy và là nhạc phụ của vua Duy Tân, họ này ở đây từ đời vua Lê Hy Tôn) chỉ chừng 300m. Cũng xin nhắc lại, cánh đồng Bàu Đá từ xưa đến nay thuộc đất Hậu Thôn, làng Kim Long, huyện Hương Trà (không phải Quảng Điền) như nhiều người viết.
Ghi chép trong gia phả họ Nguyễn Tiên Điền cho hay năm 1824, khi con trai Nguyễn Ngũ và cháu là Nguyễn Thắng vào kinh đô có làm đơn xin cải táng mộ thân phụ từ cánh đồng Bàu Đá dời về quê, điều ấy chứng tỏ nơi cụ nằm vốn là đất công và chỗ này hiện nay vẫn là đất công do phường Kim Long quản lý...
Mới đây, tôi cùng nhà nghiên cứu Trần Viết Điền lại đến viếng Nguyễn Du tại cánh đồng Bàu Đá. Mặc dù mộ cụ đã cải táng dời về Tiên Điền, Hà Tĩnh từ năm 1824, thế nhưng nơi ấy vẫn được người dân Hậu Thôn bảo vệ cẩn thận. Anh Mai Khắc Chính, chắt nội của cụ Mai Khắc Đôn nói rằng, theo lời dặn của nội tổ, con cháu họ Mai chúng tôi và bà con ở Hậu Thôn vẫn truyền nhau lưu giữ cái chỗ nguyên táng cụ Du Đức Hầu (tước của Nguyên Du), không cho ai được chôn cất hay phá đi để cấy trồng. Và thú thật, cũng chẳng ai dám xâm phạm. Gần hai trăm năm qua vẫn còn đó, cỏ cây ngây dại um tùm.
Theo thuật phong thủy và tâm linh, thì cái chỗ nguyên táng ấy, linh khí tinh khôi. Một khoảnh đất rộng vài trăm mét vuông, đột khởi lên một cồn đất nhỏ, cỏ cây um tùm, chim chóc đánh rơi vài hạt mẩy mọc lên dăm ba cây đu đủ, quả sai. Vậy nên chăng chúng ta phải làm một điều gì đó cho cái chỗ này, chẳng hạn xây dựng nơi đây thành một nhà bia tưởng niệm, hay một công trình văn hóa ghi dấu tích về đại thi hào Nguyễn Du; biến cánh đồng Bàu Đá thành một chốn linh thiêng, nơi thường lui tới của những người nghiên cứu, yêu mến Truyện Kiều và văn chương thi ca, văn hóa dân tộc. Khi nơi đây thành một địa chỉ văn hóa tâm linh gắn với giai đoạn đại thi hào Nguyễn Du sống và viết Truyện Kiều rồi mất ở Huế, tôi tin chắc, sẽ là chốn thu hút rất đông du khách, trí thức, sinh viên, học sinh, những nhà tu hành Phật giáo, kể cả những người dân bình thường đến với Huế. Vì đấy là một cách ứng xử nhân văn, là đồng vọng để cầu mong, để được hun đúc theo mạch nguồn hướng đến những chân giá trị văn hóa dân tộc, mà cụ thể hơn là đến với đại thi hào Nguyễn Du.
Bài, ảnh: Dương Phước Thu