Tư liệu quý
TS. Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế cho rằng, việc tìm về những giá trị nguyên bản của văn hóa ẩm thực Huế, trong đó chú trọng đến phương thức chọn thực phẩm, nghệ thuật chế biến, không gian và phương tiện thể hiện, tính chất xã hội, nghi lễ trong ăn uống của người Huế… là một hướng tiếp cận, trở thành đề tài nghiên cứu có tính khoa học cũng như giá trị thực tiễn sâu sắc, cấp thiết. Đây là cơ sở cho sự tinh lọc, nâng cấp ẩm thực Huế xứng tầm với vị thế vốn có. Trong đó, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) về văn hóa ẩm thực Huế là một khởi đầu mang tính bước ngoặt.
Những món ăn đặc sản của Huế |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế thực hiện dự án “Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu văn hóa ẩm thực Huế”. Dự án đã thu thập, tập hợp tất cả những thông tin, công trình, bài viết nghiên cứu có liên quan đến văn hóa ẩm thực Huế, xây dựng thành thư mục, số hóa toàn bộ các tư liệu sưu tầm được dưới các dạng file word, pdf, ảnh, phim... Đồng thời, xây dựng chương trình phần mềm quản lý CSDL, được thiết kế dựa trên nguyên tắc đảm bảo thuận lợi cho việc lưu trữ, truy cập, cập nhật và chuyển đổi thông tin. Đây là một chương trình mở, cho phép tích hợp, bổ sung dữ liệu thường xuyên và kết nối được với internet để mọi người có thể tra cứu.
Nghệ thuật ẩm thực Huế hấp dẫn du khách quốc tế (Trong ảnh: Du khách tham gia cooking class của Khách sạn Saigon Morin) |
Dự án đã sưu tầm gần như cơ bản những công trình nghiên cứu, tài liệu hiếm hoi và sớm nhất về văn hóa ẩm thực từ xưa đến nay. Đáng chú ý, là những ghi chép quý giá của một người Pháp, chứng nhân từng sống, trải nghiệm thực tế trong xã hội Huế cuối thế kỷ XIX, qua quan sát cuộc sống thực của đời sống cung đình Huế trong vai trò một thượng khách, mô tả chi tiết Ngự thiện dưới triều Nguyễn. Hay “Thực phổ bách thiên” (1915) của bà Trương Thị Bích (hậu duệ phòng Tùng Thiện Vương) bằng thơ thất ngôn tứ tuyệt, gồm 100 thiên đề cập đến việc chuẩn bị, cách chọn lựa, quy trình chế biến đặc biệt tinh tế 100 món ăn truyền thống Huế tiêu biểu. Rồi đến những cuốn sách sau này của các nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Nguyễn Đắc Xuân, những bài viết của nghệ nhân ẩm thực Hoàng Thị Như Huy… đều được tập hợp và số hóa thành những gói tài liệu theo từng chủ đề: ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian, ẩm thực chay, ẩm thực với sức khỏe, nghệ nhân ẩm thực, địa chỉ ẩm thực…
Xây dựng hồ sơ di sản
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, “Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu văn hóa ẩm thực Huế” là dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. CSDL này được tập hợp, lưu trữ một cách có hệ thống và đầy đủ nhất những bài viết, công trình liên quan đến văn hóa ẩm thực Huế của tất cả các tác giả ở trong và ngoài nước, nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, quản lý cũng như chức năng tra cứu. Đây sẽ là tài liệu bổ ích cho những người nghiên cứu về văn hóa Huế, đặc biệt là ẩm thực Huế.
Dự án “Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu văn hóa ẩm thực Huế” đã thu thập, đưa vào thư mục văn hóa ẩm thực Huế 625 công trình; tiến hành số hóa đưa vào cơ sở dữ liệu 11.659 trang tài liệu văn bản, 43 phim tư liệu về ẩm thực Huế với thời lượng 581 phút, 685 ảnh tư liệu; đồng thời xây dựng được phần mềm tích hợp dữ liệu phục vụ tra cứu CSDL ẩm thực.
|
Theo TS. Trần Đình Hằng, trong tương lai, có thể mở rộng, nâng cấp CSDL này thành diễn đàn mở để trao đổi, thảo luận, nghiên cứu và cập nhật về di sản văn hóa ẩm thực Huế. Từ đó, góp phần tích cực trong việc quảng bá, phát huy và nâng cao chất lượng ẩm thực Huế trong hoạt động du lịch, đời sống của nhân dân; bảo tồn một cách thích ứng, năng động và có hiệu quả vốn di sản văn hóa đặc biệt này trong đời sống đương đại, trong vai trò Huế là một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước.
Vấn đề cần chú trọng trong thời gian tới là ưu tiên đầu tư hoàn thiện hơn nữa phần mềm quản lý, vận hành CSDL văn hóa ẩm thực Huế và thường xuyên bổ sung những nội dung còn thiếu vắng cũng như cập nhật các kết quả nghiên cứu mới về lĩnh vực này. Vận hành và phổ biến CSDL văn hóa ẩm thực Huế như một website cũng là đích hướng đến của việc ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài. Bên cạnh đó, có thể xuất bản thành sách chuyên sâu một cách có hệ thống, có giá trị tham khảo trong nghiên cứu cũng như in ấn tài liệu hướng dẫn như tập gấp, brochure về ẩm thực phục vụ khách du lịch.
Cần chiến lược quảng bá
Theo một số nhà nghiên cứu, sau dự án này, Thừa Thiên Huế cần có chiến lược quảng bá, phát huy giá trị ẩm thực Huế. Nhiều ý kiến cho rằng, Huế hoàn toàn đủ sức để tổ chức Festival ẩm thực. “Festival về ẩm thực Huế là điều chúng ta cần làm trong thời gian tới. Ngoài tuyên truyền qua sách vở, thực khách cần được thưởng thức, trải nghiệm những món ăn Huế đặc sắc. Trong chiến lược phát triển du lịch sắp tới, chúng tôi có kế hoạch tổ chức một số hội chợ về ẩm thực Huế tại các trung tâm có lượng khách lớn”, ông Phan Tiến Dũng nói.
TS. Trần Đình Hằng đặt vấn đề: “Để tạo thương hiệu cho ẩm thực Huế, phải cho nó một danh hiệu chính thức, tức là ẩm thực Huế phải được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Giá trị của nó hoàn toàn xứng tầm”. Ông Phan Tiến Dũng cho biết, việc xây dựng CSDL văn hóa ẩm thực là bước khởi đầu quan trọng để sắp tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận văn hóa ẩm thực Huế là di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt của vùng đất cố đô, trước mắt là cấp quốc gia, sau đó là di sản thế giới.