Một chuyến A321 đến từ TP Hồ Chí Minh |
Sân bay Phú Bài là một trong những sân bay được xây dựng sớm nhất Việt Nam (1940) để phục vụ Kinh đô Huế. Sau nhiều lần được đầu nâng cấp, năm 2007 Phú Bài đã trở thành cảng hàng không quốc tế, là cảng hàng không lớn thứ 5 của Việt Nam. Theo quy hoạch, đến năm 2020, sân bay này sẽ đạt chỉ tiêu cấp 4E, cao điểm có thể tiếp nhận 20 máy bay và 5 triệu hành khách/năm. Đến năm 2030 có khả năng tiếp nhận 26 máy bay vào giờ cao điểm và 9 triệu hành khách/năm...
Sân bay Phú Bài so với chính nó cách đây hơn 20 năm về trước quả là một trời một vực. Nhớ có lần theo lãnh đạo tỉnh về đón cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu; lúc đó ông đến Huế với tư cách Bộ trưởng Cao cấp, cùng đi phía Việt Nam có ông Vũ Khoan, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Trước lúc máy bay xuống, thấy có mấy nhân viên sân bay cưỡi mô tô chạy một vòng ra đường băng. Mấy anh lớn tuổi trong đoàn cười cười: Họ đi... đuổi bò. Tôi cứ tưởng nói đùa, không dè sau này hỏi lại một số người, họ “confirm” tỉnh queo. Ra lúc đó cơ sở vật chất của sân bay còn nghèo, đến cả hệ thống hàng rào còn chưa kín, cho nên phải cho người canh chừng, cẩn tắc vô áy náy. Nay thì quá OK rồi. Đường cất hạ cánh, đường lăn sân đỗ, tháp điều khiển, nhà ga, đường dẫn vào sân bay, bãi đỗ xe... tất cả đều đã được đầu tư khá đồng bộ và hiện đại. Tất nhiên, ước mong thì còn nhiều. Song với nhu cầu và tần suất các chuyến bay đi - đến hiện tại, thì như thế khá ổn.
Vấn đề còn lại là sự quản lý, vận hành, là lối ứng xử của các cơ quan hữu trách. Chuyện trễ chuyến rất tiếc lại là câu chuyện khá thường xuyên, đến nỗi bây giờ nghe ai chuẩn bị bay, câu hỏi thăm đầu tiên là có bị “delay” không. Hành khách rất cần sự thông báo sớm và lời xin lỗi chân thành thỏa đáng. Tránh trường hợp bức xúc gọi đến các cơ quan báo chí để phản ánh như đã từng xảy ra. Đường dẫn vào sân bay cũng cần nghiên cứu giải pháp cây xanh hợp lý hơn để tạo hiệu ứng thân thiện với du khách ngay từ ánh nhìn đầu tiên; điều này các chuyên gia cây xanh cũng đã từng lên tiếng trên diễn đàn báo chí. Đặc biệt, chuyện vô cùng tế nhị là mấy chỗ WC. Được đầu tư khá tốt đấy, thiết bị khá hiện đại, nhưng bao giờ có dịp chờ máy bay, phải buộc phải đi giải quyết cái sự bức bí thì tôi đều cảm thấy rất ngượng nghịu với các hành khách ngoại quốc về cái mùi không mấy lịch sự của WC sân bay nhà mình. Hay là số mình xui, bao giờ đi cũng đều gặp lúc người ta chưa dọn vệ sinh? - tôi không ít lần tự an ủi. Nhưng mới rồi, đến sân bay, gặp một người quen là bác sĩ của Bệnh viện TW Huế đi cùng chuyển vào TP Hồ Chí Minh, anh em trò chuyện mới hay hóa ra tôi không là cá biệt. Không dám so với các sân bay của các quốc gia khác, ngay so với sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) thôi, Phú Bài chỉ là “chút cheo”. Vậy nhưng ở TSN, vào nhà ga quốc tế lẫn nội địa không ít lần, chúng tôi chưa hề bị muộn phiền về trường hợp tương tự như sân bay nhà mình. Vậy mà TSN mới đây còn từng bị trang The Guide to Sleeping in Airports “bình chọn” là một trong 10 sân bay tệ nhất châu Á.
Phú Bài đã mở được đường bay thẳng đến Xiêm Riệp (Cambodia), Bankok (Thái Lan) và ngược lại. Vừa rồi, người Huế vui mừng khi tuyến bay thẳng Huế-Đà Lạt được khởi động; sắp tới là Huế- Nha Trang và khả năng sẽ còn nhiều tuyến khác nữa. Khách đến Huế qua đường hàng không sẽ ngày càng nhiều, góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch địa phương tăng trưởng. Sân bay Phú Bài sẽ là nơi chào đón và tiễn đưa những người bạn, người khách quý của cố đô. Mấy lời phản ánh chân tình mong không gây sự phiền lòng, để Phú Bài - Huế sẽ mãi lưu lại ấn tượng đẹp đẽ trong lòng mỗi hành khách đi-đến với đất trời núi Ngự sông Hương...
Bài, ảnh: HUY KHÁNH