Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử chụp ảnh chung với các học sinh dân tộc thiểu số học giỏi năm 2015. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Năm 2015, cùng với chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, công tác giáo dục mũi nhọn đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng tiếp tục được tăng cường. Nhiều tỉnh có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Kết quả thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng của học sinh là người dân tộc thiểu số đã được nâng lên, nhiều em đạt điểm cao, là thủ khoa.

Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2015 có 105 học sinh dân tộc thiểu số đạt giải, trong đó có 1 em đạt giải nhất, 16 em đạt giải nhì, 30 em đạt giải ba và 58 em đạt giải khuyến khích. Nhiều em đạt giải cao ở các môn khoa học tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học.

Không chỉ đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015, nhiều học sinh dân tộc thiểu số cũng đã đỗ với điểm số cao, trong đó có 15 em đỗ điểm cao từ 27 điểm trở lên (tổng kết quả 3 môn xét tuyển) và 2 em là thủ khoa.

Tại Lễ tuyên dương, 122 học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đỗ điểm cao, thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 đã được vinh danh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chúc mừng 122 học sinh dân tộc thiểu số học giỏi năm 2015 và mong muốn các em tiếp tục phát huy thành tích học tập tốt, phấn đấu thành những nhân tài cống hiến cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hiện các vùng dân tộc, miền núi còn nhiều khó khăn, dân trí còn thấp, nhân lực hạn chế vì vậy giáo dục-đào tạo cần được ưu tiên phát triển hơn nữa và phải được coi là giải pháp quan trọng nhằm xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch điều kiện sống giữa đồng bằng, thành thị với vùng dân tộc, miền núi.

Do đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tỉnh thành, địa phương, ngành giáo dục, các cơ quan đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; bên cạnh đó rà soát lại các chính sách về đào tạo-đào tạo để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học.

Các tỉnh thành, địa phương, các bộ, ban, ngành tiếp tục chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chất lượng của đội ngũ thầy giáo, cô giáo vùng dân tộc miền núi để đáp ứng nhu cầu giáo dục, đổi mới giáo trình, giáo án, phương thức giảng dạy.

Các cơ quan chức năng cùng cộng đồng xã hội cần quan tâm xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, tạo điều kiện dạy và học tốt hơn cho thầy và trò vùng dân tộc miền núi; tiếp tục nhân rộng các mô hình, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường dự bị đại học dân tộc để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho các địa phương trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Vietnam+