Sân cỏ nhân tạo - sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên nông thôn

Chúng tôi có dịp ghé sân bóng đá cỏ nhân tạo Tân Cảng ở thị trấn Thuận An vào một buổi chiều. Hai sân bóng với diện tích 50x30m được đặt kín chỗ. Anh Lê Văn Nhật, quản lý sân bóng cho biết: “Nắm bắt nhu cầu của giới trẻ, năm 2013 chúng tôi đầu tư 2 tỉ đồng để xây dựng hai sân bóng với tổng diện tích 3.000m², trong đó đầu tư cho mặt cỏ nhân tạo khoảng 900 triệu đồng. Từ khi thành lập, sân bóng thu hút rất đông các thanh thiếu niên ở địa phương và các xã khác đến tham gia, tháng cao điểm có hơn chục trận đấu mỗi ngày. Không như ở thành phố, giá cả thuê sân ở đây cũng mềm hơn, tùy theo từng thời điểm mà giá cả giao động từ 250 đến 300 nghìn đồng/giờ”.

“Cơn sốt” sân bóng cỏ nhân tạo không chỉ xuất hiện ở các trung tâm đông dân cư mà còn lan tỏa đến các vùng quê ven biển khác như Vinh Hưng, Vinh Thanh (Phú Lộc)... Trong một dịp trò chuyện, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng cho biết, từ khi xuất hiện hai sân cỏ nhân tạo thì đây là sân chơi lành mạnh cho nhiều thanh niên tại địa phương. “Bây giờ thay vì sa đà vào game, quán nhậu…, thanh niên, học sinh thường rủ nhau đến sân bóng đá vui chơi, rèn luyện sức khỏe. Điều này góp phần giúp tình hình an ninh trật tự được đảm bảo và những thú chơi không lành mạnh của giới trẻ ngày một ít dần”, ông Hùng nói.

Anh Hồ Thanh Tú, khách quen của sân cỏ nhân tạo nơi đây cho biết, nhờ mỗi buổi chiều đá bóng mà sức khỏe ngày càng tốt hơn. Sau một thời gian đến sân bóng đã thấy “ghiền”.

Năm 2009, bóng đá bãi biển có tên trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn bóng đá Việt Nam và nhanh chóng chiếm được cảm tình của người hâm mộ cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế không ít lần đứng trên bục cao nhất tại giải vô địch bóng đá bãi biển quốc gia bằng những đóng góp quan trọng của hai đội bóng Phú Thuận và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang).

Ở đội bóng đá bãi biển Thuận An có nhiều cầu thủ góp mặt ở đội tuyển bóng đá bãi biển Việt Nam. Trước khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, họ đều xuất phát từ bóng đá phong trào ở địa phương.

Trần Vĩnh Phong (thành viên đội tuyển bóng đá bãi biển Việt Nam) tâm sự: “Đặc thù của bóng đá bãi biển tuy có khác so với bóng đá sân cỏ nhưng điểm chung nhất vẫn là niềm đam mê. Bây giờ các sân cỏ nhân tạo xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng quê ven biển cũng chính là cơ sở để phong trào bóng đá phát triển mạnh, từ đây có thể tuyển chọn ra được những cầu thủ có đam mê để chơi bóng đá bãi biển”.

“Ở tỉnh ta bóng đá bãi biển phát triển mạnh nhưng ít có sự đầu tư. Không riêng gì Phú Vang, tất cả các địa phương ven biển đều có tiềm năng phát triển môn bóng đá bãi biển. Vì vậy, cần có một chiến lược đầu tư lâu dài”, Trần Vĩnh Phong đề xuất.

Bài, ảnh: Xuân Thọ