Các nhà thuốc nghiêm túc bán thuốc theo đơn sẽ hạn chế được tình trạng kháng thuốc. Ảnh: HK |
Tự hại
Trở trời, đứa cháu nhà tôi ho sù sụ nghe thật sốt ruột. Tôi hỏi mẹ cháu đã đưa đi khám chưa? Cô ấy trả lời vẻ bồn chồn: “Có mua thuốc rồi, mọi lần uống vô là đỡ liền, nay uống đã mấy ngày, vẫn chưa thấy thuyên giảm.”- “Thuốc ai cho?”- “Dạo trước cháu ốm, đưa đi khám, bác sĩ cho cái toa. Sau này cứ vậy mà mua.”
Tôi giật mình, cùng là sốt, cùng là ho, nhưng có thể “cái sốt, cái ho” hôm nay nó khác hôm trước. Sao cứ một toa mà cho uống bá bệnh được. Lại nữa, con nít trở trời hay bị cảm lạnh, sốt siêu vi, toa thuốc có thể trúng, nhưng cứ thấy uống đỡ là dừng, không đủ liều đủ lượng, sinh ra nhờn thuốc thì khổ. Thôi, lo đưa cháu đi gặp lại bác sĩ cho chắc chuyện. Đừng tiếc chút thời gian, chút chi phí mà “sinh chuyện” thêm phức tạp. Tôi khuyên.
Chẳng biết có ngẫu nhiên không, cách đây mấy hôm, xem ti vi thấy nhà đài thông tin mà sợ: Xuất hiện vi khuẩn kháng hầu như tất cả các loại kháng sinh. Tôi thót người. Vô phúc nhà ai dính phải cái lão vi khuẩn này, chẳng chết chắc thì cũng ...mạt vận. Đâu xa chưa biết, cách đây chưa lâu, một người bạn tham gia lớp bồi dưỡng chính trị với chúng tôi đang cười đùa tươi rói như thế, bỗng bị viêm ruột thừa hay bàng quang gì đó phải nhập viện. Ai cũng cho là bệnh đơn giản, chỉ ít hôm là lại về đi học thôi. Chẳng dè anh “đi thẳng”, rất nhanh. Sau này dò hỏi mấy người bạn bác sĩ quen biết, họ cho hay, anh xui xẻo, quá trình điều trị lại bị nhiễm trùng bệnh viện, dính “con mủ xanh, mủ đỏ”sao đó, mà “con” này lại “lờn” hết thuốc. Bác sĩ đành bất lực!
Mà thật bực, ngẫm đi ngẫm lại, thấy tất cả là do ta tự hại ta cả. Có thể nói, việc nghiên cứu, bào chế được kháng sinh là một bước tiến vượt bậc của y học, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong bảo vệ sức khỏe con người, kiểm soát và chống lại các loại bệnh tật, nhất là đối với các loại bệnh do nhiễm khuẩn. Vậy mà, sự thiếu hiểu biết, sự “đại khái”, sự xem thường khuyến cáo của các nhà chuyên môn, rất nhiều người đã sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách, dẫn đến hiện tượng kháng thuốc, càng lúc càng trầm trọng. Riêng tại Việt Nam ta, các nghiên cứu công bố cho thấy tình trạng kháng kháng sinh đã xuất hiện phổ biến ở các 3 miền với tỷ lệ rất cao, có nhóm trên 50%, thậm chí có nhóm như Cephalosporin kháng trên 80%; trong nhóm này, riêng với Ceftriaxone tỷ lệ kháng đến 93,1%! Và nay, như thông tin chúng tôi vừa đề cập, đã xuất hiện vi khuẩn kháng hầu như tất cả các loại kháng sinh. Thật đáng sợ! Chính con người chứ không ai khác, đã tự phá hỏng thành quả của mình, phá hỏng cơ hội sống của bản thân và đồng loại!
Nghiêm túc từ các nhà thuốc
Người thiếu hiểu biết sử dụng kháng sinh bừa bãi gây nên tình trạng kháng thuốc đã đành, đáng trách hơn nữa là các nhà thuốc (pharmacie) cũng phớt lờ chuyện này. Có cảm giác họ chỉ cần bán được sản phẩm, cố đạt doanh số cao, lợi nhuận tốt là OK, còn mọi chuyện khác thì xem như bất biết (!) Thế nên, cho dù kháng sinh theo quy định phải bán theo đơn, nhưng người mua không đơn cũng không việc gì cả. Muốn mua gì có nấy, mua bao nhiêu cũng được. Phổ biến, đại trà đến nỗi có vị bác sĩ đã thốt lên với báo chí rằng ông rất xấu hổ với tình trạng “mua kháng sinh như mua mớ rau”!
Kháng kháng sinh gây nên nhiều hệ lụy cho xã hội. Nó khiến cho người thầy thuốc phải vất vả hơn trong việc chẩn đoán, chọn lựa phác đồ điều trị; gây tốn kém rất lớn cho xã hội, cho người bệnh do phải phối hợp nhiều loại kháng sinh, lại rất không có lợi cho sức khỏe. Nhiều trường hợp còn không giữ được tính mạng vì thuốc không đáp ứng... Do vậy, đã đến lúc phải mạnh tay hơn trong tuyên truyền, thực thi, mà bắt đầu là từ các nhà thuốc. Họ phải là người nghiêm túc trước tiên trong chấp hành bán thuốc theo đơn. Nếu vi phạm, phải xử lý thật nặng, thật nghiêm, thậm chí là rút phép kinh doanh vĩnh viễn. Bởi lẽ suy cho cùng họ cũng là một mắc xích quan trọng trong ngành y dược mà lại xem thường y đức, biết là gây hại cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân mà vẫn cố tình vi phạm. Vậy thì rất không nên được phép tiếp tục hoạt động. Tất nhiên, để làm được điều này, cơ quan thanh tra y tế cần phải nhập cuộc tích cực, thường xuyên. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu được tầm quan trọng của vấn đề cũng là hết sức cần thiết. Tuyên truyền không chỉ qua kênh báo chí, mà kể cả hệ thống y tế thôn bản, kể cả từng cán bộ, nhân viên y tế đều phải là mỗi tuyên truyền viên. Tất cả đều tận tâm, tận lực, kiên trì thì mới có thể chuyển biến được nhận thức và hành vi của cộng đồng, bảo vệ cộng đồng tránh được những cái chết tức tưởi vì các căn bệnh nhiễm khuẩn...