Lễ Khai mạc HKPĐ tỉnh 2015

1 - Chuẩn bị cho HKPĐ toàn quốc 2016 diễn ra tại Thanh Hóa và Nghệ An, 2 ngành GD&ĐT và Thể thao Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức HKPĐ tỉnh 2015, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, sau khi hệ thống và sắp xếp lại thời gian thi đấu, 7 môn tại HKPĐ tỉnh 2015 gồm: bơi, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, cờ vua, đá cầu và điền kinh đã được hơn 1.500 VĐV đến từ 47 đoàn của các trường THCS, THPT, các phòng GD&ĐT huyện, thị xã và thành phố hoàn thành sớm hơn dự kiến (ngày 17/11).

Ông Đặng Văn Việt Vũ – chuyên viên Sở GD&ĐT cho biết, tuy kết thúc sớm nhưng điều này không ảnh hưởng đến số lượng VĐV tham gia và chất lượng chuyên môn của giải. Thậm chí, qua những ngày tranh tài, các VĐV học sinh ở 2 môn cờ vua và điền kinh còn gây được ấn tượng mạnh khi thể hiện được chuyên môn tốt hơn những kỳ Hội khỏe trước.

Đồng diễn tại HKPĐ tỉnh 2015

Với những thông tin mà thầy Vũ cung cấp, đây quả là dấu hiệu đáng mừng đối với phong trào thể thao học đường của Thừa Thiên Huế cũng như tại HKPĐ toàn quốc 2016 sắp tới. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một vài ý kiến cho rằng, tại HKPĐ tỉnh lần này vẫn xuất hiện một số VĐV năng khiếu tranh tài và điều này không công bằng với VĐV học sinh thông thường.

Theo thầy Vũ, việc VĐV năng khiếu thi đấu tại HKPĐ tỉnh có liên quan đến điểm cộng trong các kỳ thi tốt nghiệp, đại học nếu đạt thành tích cao theo như quy định. Tất nhiên, để đảm bảo cạnh tranh công bằng, các môn tại HKPĐ tỉnh 2015 được tranh tài theo 2 tuyến: học sinh thông thường và VĐV năng khiếu. Vậy nên không có gì là không công bằng ở đây, thầy Vũ khẳng định.

Học sinh Phong Điền thi điền kinh tại HKPĐ tỉnh 2015

2 - Kết luận ngày 30/7 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kể từ năm 2016, học sinh các trường năng khiếu TDTT, các trung tâm huấn luyện TDTT, CLB thể thao chuyên nghiệp sẽ không được tham dự HKPĐ toàn quốc. Điều này cũng có nghĩa, sân chơi thể thao lớn nhất dành cho học sinh đã trở lại đúng như ý nghĩa ban đầu bởi rất nhiều kỳ HKPĐ trước, do chạy theo thành tích nên việc VĐV năng khiếu, thậm chí chuyên nghiệp tham gia không phải là chuyện hiếm.

Phải khẳng định, để trở thành VĐV năng khiếu, có nghĩa là trong số hàng trăm, hàng ngàn học sinh, ai có tố chất, có thành tích cao nhất mới lọt vào mắt tuyển trạch viên. Điều này đồng nghĩa tự thân học sinh được chọn thời điểm đó đã nổi bật, đã có khoảng cách so với phần còn lại. Và khi trở thành VĐV năng khiếu (chứ chưa nói đến VĐV chuyên nghiệp), khoảng cách đó ngày càng được nới rộng bởi lẽ, một bên có chế độ dinh dưỡng, được tập luyện, cọ xát, thi đấu trong môi trường chuyên nghiệp, còn một bên thì không. Những yếu tố đó dẫn đến hiện tượng không công bằng trong những lần tranh tài, thậm chí, tại các kỳ Hội khỏe, không hiếm trường hợp VĐV… chưa đấu đã run.

Đáng mừng, từ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ HKPĐ 2016, sân chơi này trở về đúng ý nghĩa là một đại hội thể thao dành cho học sinh từ tiểu học đến THPT nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh; đánh giá công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường phổ thông. Qua đó, phát hiện những tài năng của thể thao học sinh để bồi dưỡng, đào tạo tài năng thể thao cho đất nước.

Còn với học sinh các trường năng khiếu TDTT, các trung tâm huấn luyện TDTT, CLB thể thao chuyên nghiệp, những đối tượng này sẽ tham gia các giải trẻ quốc gia của từng môn thể thao theo lứa tuổi do ngành thể thao tổ chức. Tại đây, tuy mức cạnh tranh “khốc liệt” hơn nhưng đồng thời cũng là cơ hội để cọ xát, tranh tài với đối thủ cùng đẳng cấp nhằm chứng tỏ tài năng đích thực của mình trong môi trường thể thao chuyên nghiệp.

Bài, ảnh: Hàn Đăng