Được biết đến là trung phong số 1 của bóng đá Việt Nam, Huỳnh Đức được CLB Lifan- Trung Quốc mượn thi đấu 4 tháng trong mùa bóng năm 2001. Tuy nhiên, chuyến xuất ngoại của Huỳnh Đức không phải là một bản hợp đồng chuyển nhượng mà đó chỉ là một chuyến đi “nghĩa vụ” của tiền đạo CLB Ngân hàng Đông Á. Đổi lại, CLB Lifan đưa sang Ngân hàng Đông Á 3 cầu thủ cũng như thông qua hình ảnh của Huỳnh Đức, Lifan muốn quảng bá cho thương hiệu xe máy của mình.

Tuấn Anh và Công Phượng được HLV Miura đặt niềm tin. Ảnh: Zing

Sau Huỳnh Đức, đã có một số cầu thủ Việt Nam sang Thái Lan, Bồ Đào Nha thi đấu như: Trung Tuấn, Việt Thắng nhưng ít được báo giới nhắc đến… Phải đến khi tiền đạo Lê Công Vinh được sự giúp đỡ của HLV Calisto sang thi đấu cho CLB Leixoes SC của Bồ Đào Nha trong 3 tháng cuối năm 2009 thì báo chí trong nước mời bắt đầu “tốn giấy mực”.

Lê Công Vinh lúc đó đang là nhà vô địch Đông Nam Á sau khi giành AFF Cup 2008 trên sân nhà. Cầu thủ người Nghệ An cũng đang ở độ chín của sự nghiệp và quan trọng hơn là anh đầu quân cho một đội bóng châu Âu. Cho dù giải vô địch Bồ Đào Nha không thể so sánh với các giải đấu của Anh, Tây Ban Nha hay Italia nhưng việc một cầu thủ Việt Nam thi đấu ở châu Âu cũng là một sự kiện. Còn nhớ khi Công Vinh thi đấu cho Leixoes SC, một số trận đấu của đội bóng này đã được Đài truyền hình kỹ thuật số VTC trực tiếp. Tất nhiên là trận đấu đã được nhiều người hâm mộ bóng đá Việt theo dõi chỉ vì muốn xem Công Vinh thi đấu như thế nào.

Cách đây 2 mùa bóng, một lần nữa Lê Công Vinh lại xuất ngoại và lần này là sang Nhật Bản thi đấu cho CLB hạng nhì Consadole Sapporo từ tháng 8/2013 với bản hợp đồng cho mượn kéo dài 5 tháng. Lần xuất ngoại thứ hai này, Lê Công Vinh từng được truyền thông Nhật Bản khen ngợi khi ghi được 4 bàn thắng trong 11 trận đấu trong màu áo Consadole Sapporo. Tuy nhiên, cũng có nhiều người nhìn nhận, đây thực chất là một chiêu PR của hãng bia nổi tiếng xứ anh đào nhằm giúp quảng bá thương hiệu bia nổi tiếng của Nhật Bản đến Việt Nam.

Khác với bậc đàn anh là Huỳnh Đức, Công Vinh khi xuất ngoại đã là một cầu thủ thành danh. Lần này, Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Tuấn Anh của Hoàng Anh Gia Lai sang Nhật Bản thi đấu ở độ tuổi còn rất trẻ. Ở độ tuổi này, các cầu thủ còn phải rèn luyện, học hỏi và cọ xát để nâng cao cả thể lực, kỹ thuật và kinh nghiệm thi đấu. Mặc dù đã được thử lửa một mùa bóng ở V- League nhưng sự thiếu chuyên nghiệp của bóng đá Việt thật sự làm cho những cầu thủ thiên về kỹ thuật như Công Phượng, Tuấn Anh chùn chân hơn là tiến bộ. Ở một nền bóng đá chuyên nghiệp như Nhật Bản sẽ không có những pha bóng bạo lực, tiểu xảo quá lộ như ở V- League. Đó là một môi trường tốt cho các cầu thủ trẻ…

Trước đây, Huỳnh Đức hay Công Vinh sang thi đấu cho các câu lạc bộ nước ngoài chính yếu là những bản hợp đồng mang tính thương mại hay xuất phát từ mối quan hệ của các câu lạc bộ, huấn luyện viên. Vì thế, cả Đức và Vinh đều không thể học hỏi nhiều về chuyên môn cho mình, một phần nữa vì họ được thi đấu trong thời gian khá ít ỏi.

Bây giờ, Công Phượng và Tuấn Anh có bầu Đức đứng sau lưng. Nói cách khác, Công Phượng và Tuấn Anh chính là những “quả chuông” mà ông chủ Hoàng Anh Gia Lai tin tưởng sẽ “ đánh” được ở xứ người sau những gì mà ông dày công vun đắp. Đó hoàn toàn không phải là chuyện tiền bạc hay chuyện quan hệ mà thực sự là những thử nghiệm để bóng đá Việt Nam ra biển lớn.

Nói như Trưởng đoàn bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Nguyễn Tấn Anh: “Khi Công Phượng, Tuấn Anh sang chơi ở J-League 2, nếu đáp ứng được yêu cầu, chắc chắn chuyên môn của các em sẽ được nâng tầm. Điều này sẽ giúp nền bóng đá nước nhà hưởng lợi cả về tiếng tăm lẫn những đóng góp cho đội tuyển quốc gia. Tất nhiên, HAGL vẫn mong V-League sẽ ngày càng chuyên nghiệp, không còn cảnh bạo lực sân cỏ để các tài năng bóng đá của chúng ta yên tâm thi đấu”.

Thanh Phi