Được Trung ương phân bổ chỉ tiêu 200 bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone năm 2014 và 2015, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai và giao cho Trung tâm phòng chống HIV/AIDS thuộc Sở Y tế tổ chức thực hiện. Từ khi bắt đầu triển khai (11/11/2014) đến nay, đã có 155 người đăng ký tham gia chương trình, trung tâm đã xem xét, khám lọc loại và tiến hành điều trị Methadone cho 143 bệnh nhân, đạt tỷ lệ 71,5% so với chỉ tiêu được giao đến cuối năm 2015 (200 bệnh nhân), đứng vị trí thứ 6 toàn quốc.

Đánh giá về lợi ích và hiệu quả của việc điều trị thay thế nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Mathadone, lãnh đạo Sở Y tế cho biết: “Hiện nay, điều trị thay thế nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Mathadone đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng, bởi tác dụng tích cực của Methadone là giúp người nghiện quên cơn nghiện ma túy (do tác dụng của thuốc kéo dài đến 24 tiếng đồng hồ), không bị ảnh hưởng đến não bộ, sức khỏe nhanh phục hồi, lao động và sinh hoạt bình thường. Nếu người nghiện có thái độ tích cực và điều trị đúng phác đồ điều trị thì hoàn toàn có thể từ bỏ được ma túy”.

Theo đánh giá ban đầu, trong tổng số 143 bệnh nhân đang điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở tỉnh ta hiện nay thì có đến 75% bệnh nhân đã ổn định liều, phục hồi nhân cách. Điều đáng ghi nhận, trong số đó đã có 35 bệnh nhân cắt được cơn nghiện và tìm được việc làm ổn định. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở Y tế cho hay: “Hiệu quả của việc sử dụng Methadone đã rõ, tuy nhiên, hiện nay, tỉnh ta chỉ mới được Trung ương giao chỉ tiêu điều trị 200 người trong tổng số 463 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại cộng đồng. Nếu như tỉnh cân đối được nguồn lực hỗ trợ số bệnh nhân được điều trị Methadone còn lại thì sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, bởi giá Methadone không cao, khoảng 20.000đ/liều/ngày nhưng cái khó là thuốc Methadone không có bán trên thị trường mà chủ yếu do nhà nước quản lý”.

Hiện nay, cơ sở điều trị Methadone của tỉnh tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS ở đường Nguyễn Văn Linh chưa được hoàn chỉnh do trong quá trình xây dựng nên rất khó khăn trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động. Mặt khác, nguồn thuốc điều trị Methadone thuộc chương trình mục tiêu quốc gia chỉ hỗ trợ đến hết năm 2016, Năm 2017 trở đi, có thể tỉnh phải tự túc. Để đảm bảo tính liên tục và hiệu quả trong công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm sớm bố trí đủ nguồn lực để xây dụng hoàn thiện cơ sở điều trị Methadone cũng như dự nguồn trong việc đảm bảo nguồn Methadone để điều trị cho bệnh nhân, nhằm giúp họ sớm dứt bỏ ma túy, trở về với cuộc sống gia đình.

Khôi Nguyên