Khi thị trường thuốc điều trị ung thư trị giá 100 tỷ đô la bùng nổ, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Lancet Oncology đã cho thấy giá thuốc không chỉ thiếu thống nhất trên toàn thế giới, mà giữa các nước khác nhau giá thuốc có thể chênh lệch từ 28% đến 388%.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích danh mục đơn giá của 31 thuốc điều trị ung thư ở 16 nước châu Âu, Australia và New Zealand, và thấy rằng nhìn chung, giá thuốc là thấp nhất ở Hi Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, còn Anh, Thụy Sĩ, Đức, Đan Mạch và Thụy Điển có giá cao nhất.

Trong số các thuốc được khảo sát ở 18 nước, không thuốc nào có đơn giá dưới 11 đô la. 7 trong số 31 thuốc có đơn giá trung bình trên 1.000 đô la - một trong số đó có đơn giá trên 5.000 đô la.

Sự chênh lệch về giá khủng khiếp nhất được thấy với thuốc gemcitabine, tên biệt dược là Gemzar, được sử dụng để điều trị ung thư vú, buồng trứng, phổi và ung thư tụy. Giá của thuốc này ở New Zealand cao gấp gần 4 lần (388%) so với ở Australia.

3 tác giả Sabine Vogler, Agnes Vitry, và Zaheer Ud-Din Babar tin rằng nghiên cứu của họ là nghiên cứu đầu tiên đánh giá về giá của các thuốc điều trị ung thư mới ở các nước có thu nhập cao. Tuy họ lưu ý rằng nghiên cứu được dựa trên bảng giá chính thức - thông tin về giảm giá và hoàn tiền còn bị hạn chế - song nghiên cứu cho thấy nguy cơ bệnh nhân phải trả quá nhiều tiền cho thuốc điều trị. Họ hi vọng các nhà làm chính sách sẽ sử dụng nghiên cứu này để đưa ra chủ trương tốt hơn về minh bạch giá cho ngành công nghiệp dược.

Trong khi ở các nước thu nhập cao tại châu Âu nhiều bệnh nhân phải đối mặt với những rào cản trong việc tiếp cận điều trị ung thư, thì thách thức này còn nghiêm trọng hơn tại những khu vực kinh tế kém phát triển ở châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ - những khu vực mà theo WHO đang chiếm phần lớn các trường hợp tử vong do ung thư của thế giới. Ung thư là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, với khoảng 8,2 triệu ca tử vong năm 2012. WHO ước tính số ca mắc mới sẽ tăng khoảng 70% trong 20 năm tới.

Khi số ca bệnh ung thư tăng lên, thì chi phí của các thuốc liên quan cũng tăng. Theo một báo cáo gần đây từ Viện Thông tin y tế IMS, trong năm 2014, thế giới đã chi khoảng 1 tỉ đô la cho các thuốc liên quan với ung thư, tăng hơn 10% so với năm trước đó và tăng 25 tỉ đô la kể từ năm 2009.

Nghiên cứu cũng thấy rằng khả năng tìm mua được thuốc ung thư cũng có sự khác biệt lớn. Năm 2014, bệnh nhân sống ở Nhật, Tây Ban Nha và Hàn Quốc chỉ tiếp cận được với chưa đến một nửa tổng số các thuốc ung thư mới được đưa ra thị trường trong 5 năm trước đó. Và tại Mỹ, chi phí từ tiền túi của bệnh nhân nhận các thuốc điều trị ung thư đường tĩnh mạch chỉ tính riêng từ năm 2012 - 2013 đã tăng vọt 71%.

Đơn kiến nghị ở trang Change.org kêu gọi chính phủ Mỹ quản lý tốt hơn giá các thuốc điều trị ung thư đã thu thập được 35.000 chữ kí kể từ khi được phát động hồi đầu năm nay. Nhưng vấn đề giá thuốc quá cao so với túi tiền người dân đã khiến dư luận “dậy sóng” nhiều nhất là vào tháng Tám, khi công ty dược Turing Pharmaceuticals tăng giá thuốc điều trị sốt rét Daraprim lên 50 lần.

Giám đốc điều hành Martin Shkreli đã bị dư luận “ném đá” dữ dội khi than phiền tại Hội nghị Y tế Forbes tại New York rằng ông ta hối tiếc vì đã không tăng giá lên cao hơn nữa để thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Cẩm Tú (Theo Dân trí)