Là một quốc gia ven biển, nước ta có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển và có thể làm giàu từ biển. Tuy nhiên, một thời gian dài ước mơ vươn khơi xa bám biểm dài ngày của ngư dân vẫn chỉ quẩn quanh ven bờ, bởi thiếu nguồn lực đầu tư. Nghị định 67 của Chính phủ ra đời đã thổi luồng gió mới vào việc hiện thực hóa giấc mơ của ngư dân. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 67 vừa được tổ chức tại Bình Định, sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá với 952 tàu đóng mới và 155 tàu nâng cấp, số tiền giải ngân là 843 tỷ đồng. Với Thừa Thiên Huế, đến thời điểm này cũng đã có hơn chục tàu có công suất từ 800 CV trở lên được đóng mới và một số đang tiếp tục hoàn thành thủ tục vay vốn, đóng mới; nâng tổng số đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh lên hơn 300 chiếc.

Nghị định 89 vừa có hiệu lực, nhiều “điểm nghẽn” của Nghị định 67 được tháo gỡ, như ngư dân được kéo dài thời gian vay vốn; miễn trả lãi và chưa phải trả nợ gốc trong năm đầu tiên sau khi giải ngân; được hỗ trợ 100% chi phí thiết kế tàu vỏ thép, vật liệu mới có công suất từ 400 CV trở lên; được sử dụng máy thủy cũ còn đảm bảo chất lượng… Với việc tháo những nút thắt trên chắc chắn con số tàu đóng mới sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Tạo điều kiện để ngư dân đóng tàu công suất lớn, hiện đại để vươn khơi xa là một chủ trương lớn và đem lại hiệu quả tích cực nhiều mặt của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của những con tàu mới vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, cần có sự đầu tư đồng bộ hơn. Trước tiên, để đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng nhưng con tàu mới cần có các cơ sở đóng và sửa tàu thuyền phù hợp. Theo kế hoạch, tỉnh ta sẽ đóng mới 45 tàu theo Nghị định 67 và hiện có khoảng 300 tàu có công suất từ 400 CV trở lên (chưa kể hàng ngàn tàu công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV); trong khi đó cả tỉnh có 3 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền không thể đáp ứng được nhu cầu của ngư dân. Vì vậy, ngư dân phải đi các tỉnh khác đóng tàu hoặc khi cần sửa chữa lớn. Đi xa không chỉ vất vả, ngư dân còn tốn hàng trăm triệu đồng cho việc di chuyển, bám tàu, làm đội giá thành con tàu.

Thứ hai, để phục vụ việc vươn khơi, nâng cao hiệu quả khai thác vấn đề hậu cần nghề cá trên bờ cũng là phải được đầu tư đồng bộ. Nhưng thực tế, hệ thống cảng cá, dịch vụ hậu cần, âu thuyền neo đậu... ở nước ta nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng hiện còn rất yếu. Ở tỉnh ta, cảng cá Thuận An năng lực phục vụ thấp, các âu thuyền ở Vinh Hiền, Phú Lộc bị bồi lấp, tàu lớn không vào được khiến nhiều ngư dân phải đưa tàu vào các tỉnh khác neo đậu. Mới đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho hậu cần nghề cá tương ứng.

Thứ ba, để quản lý, vận hành những con tàu lớn với nhiều trang thiết bị hiện đại thì vấn đề đào tạo nghề cho ngư dân cũng là yêu cầu bức thiết. Nếu trước đây ngư dân ra biển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thì nay để vận hành con tàu lớn ngư dân phải có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng và kiến thức để sử dụng hiệu quả các thiết bị hiện đại.

Ngoài ra, việc tổ chức lại các mô hình khai thác biển phù hợp theo hướng thành lập các nghiệp đoàn; tổ chức đội tàu hậu cần cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và bao tiêu sản phẩm để giúp ngư dân tăng thời gian bám biển, giảm chi phí cũng là điều cần được các ban ngành quan tâm, tạo điều kiện và khuyến khích bằng những cơ chế, chính sách cụ thể.

Hoàng Giang