Đây là một loài cây gỗ lớn thường xanh hoặc bán thường xanh thuộc họ Lộc vừng (Lecythidaceae), có nguồn gốc ở Nam Mỹ, với tên khoa học lúc đầu (1775) là Couroupita guianensis (guianensis: ở Guyana), sau đó (1857) là Couroupita surinamensis (surinamensis: ở Surinam) với một loạt tên đồng nghĩa khác nữa; phân bố khắp vùng nhiệt đới cực bắc Nam Mỹ đặc biệt là lưu vực Amazon (Colombia, Venezuela, Guyana, French Guiana, Surinam,, Ecuador, Peru, đông và tây nam Brazil) và Nam Caribe với tên gọi tiếng Anh là cannonball tree. Ngoài ra, cũng được trồng phổ biến ở Ấn Độ và Thái Lan.

Ở Việt Nam, sa la còn được gọi dưới tên phiên âm Hán Việt là tha la hoặc gọi theo thể tượng hình là đầu lân do hoa của nó khi nở có hình thái trông tựa như đầu con kỳ lân.

Có lẽ thành phố Hồ Chí Minh là nơi di thực trồng cây sa la sớm nhất nước ta và hiện nay có thể tìm gặp ở nhiều điểm như chùa Già Lam, Thảo Cầm Viên, vườn Tao Đàn, khu du lịch Bình Quới…
 
 
Hiện nay, trong khuôn viên nhiều chùa Phật giáo ở miền Nam và miền Trung cây sa la cũng được trồng khá phổ biến.
 
Như đã dẫn, là một loài cây gắn liền với huyền sử Phật giáo, nên việc được trồng phổ biến ở các chùa là điều tất yếu, nó là một biểu tượng đầy ý nghĩa đạo giáo không chỉ cho các bậc chân tu ở các chùa mà còn cho hằng ngàn phật tử thường xuyên viếng chùa, hơn thế nữa hoa của nó có mùi thơm dìu dịu, dùng để thiết án thờ cúng Phật rất tốt.
 
Một điều cần bàn là hiện nay trên các diễn đàn báo chí đang có sự nhầm lẫn giữa cây sa la với cây vàng anh, thậm chí với cả cây đàm ưu truyền thuyết. Có người cho rằng cây sa la là cây vô ưu khi cho rằng Đức Phật Thích Ca đản sinh dưới gốc cây sa la và cũng nhập niết dưới 2 gốc cây sa la (sa la song thụ), rồi luận rằng chính vì thế mà tín đồ của Phật đã gọi sa la là vô ưu. Tuy thế, trên thế giới rất ít tài liệu gọi sa la là vô ưu, chỉ gọi cây vàng anh (tên khoa học là Saraca indica, họ Vang - Caesalpiniaceae) sorrowless tree có nghĩa là vô ưu. Loài cây này có lá kép dạng lông chim, khi non có màu tím, mọc rủ xuống, cành nhánh mềm mại, hơi rủ, tán lá thấp, rất phù hợp với truyền thuyết Hoàng hậu Maya hạ sinh Thái tử Siddhartha khi vít cành vô ưu trong vườn Lumbini…
 
Theo y học cổ truyền của Ấn Độ, quả của sa la có tính kháng sinh, kháng khuẩn, trị nấm, chống viêm nhiễm và giảm đau; vỏ cây được dùng trị cảm lạnh và chữa chứng đau dạ dày, xổ giun; dịch chiết từ lá dùng trị bệnh ngoài da, khử trùng vết thương; lá non trị được chứng đau nhức răng. Người dân bản xứ ở Nam Mỹ thì dùng cả vỏ thân, lá và quả để trị sốt rét.
 
Ngoài việc sử dụng trong y học, thịt quả được dùng chăn nuôi gia súc, gia cầm như lợn (heo), gà, vịt, gà tây.
 
Sa la thích đất ẩm ướt, ở vùng nguyên bản, người ta tìm thấy nó sống ở những vùng đất thấp trong những khu rừng nóng ẩm. Cây ưa sáng, thích điều kiện chiếu sáng toàn phần nhưng chịu được rợp bóng nhẹ.
 
Ở Huế, sa la được trồng ở một số chùa Phật giáo như Huyền Không sơn thượng, Tăng Quang, Bảo Quốc, Pháp Hải… Trong đó, 2 cây ở tiền sảnh chùa Tăng Quang, đường Nguyễn Chí Thanh có tuổi đời lớn nhất (trên 60 năm).
 
Cây dễ nhận biết do có lá dạng trứng thon ngược trông như lá cây lộc vừng (mưng), mọc chụm đầu cành; hoa mọc thành chùm ở thân, dài đến 1,5 m, chếch xuống gốc, hoa có dạng đối xứng lưỡng trắc, có mùi thơm nhẹ dễ chịu; đài hoa dạng ống; tràng hoa 6 cánh màu đỏ thắm, đáy vàng; nhị đực rất nhiều, nhỏ, xếp trên một đĩa cong lạ mắt; quả tròn như quả bóng, to 15-20 cm, có vỏ hóa gỗ cứng, hạt mềm, nhiều hột.
Đỗ Xuân Cẩm