Số trẻ vị thành niên ở châu Á chết vì HIV đang ngày càng tăng lên. Ảnh: Masarugo.

UNICEF kêu gọi các nước châu Á tăng cường xét nghiệm ở thanh thiếu niên, nói rằng nhiều người trẻ không biết tình trạng nhiễm HIV của mình vì việc kiểm tra yêu cầu cần có sự đồng ý của cha mẹ.

Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã có những bước tiến lớn trong việc đương đầu với HIV/AIDS ở người lớn, với mức giảm 31% các trường hợp nhiễm HIV mới từ năm 2000 đến năm 2014, và giảm 28% các ca tử vong liên quan đến AIDS trong khoảng thời gian giữa năm 2005 và năm 2014.
Tuy nhiên, 1/7 người nhiễm mới trong khu vực này vào năm ngoái nằm trong độ tuổi từ 15-19, và ước tính số ca tử vong liên quan đến AIDS ở thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-19 đã tăng vọt lên 110%, lên đến 6.600 ca trong năm 2014, so với con số 3.100 hồi năm 2005, một báo cáo của LHQ cho biết ngày hôm qua (30/11).
Nhóm thiếu niên có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS bao gồm những người đồng tính và chuyển giới, người tiêm chích ma túy, và những kẻ mua bán dâm.
"Đây là báo cáo đầu tiên và rõ ràng về trẻ vị thành niên – những thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi", Wing-Sie Cheng, cố vấn khu vực về HIV và AIDS của UNICEF cho biết. "Báo cáo này là kết quả của hơn 2 năm nỗ lực cố gắng để có được tất cả các dữ liệu nhằm giúp chúng ta hiểu được bức tranh toàn cảnh về đại dịch phải đối mặt. Chúng ta đang nói về một dịch bệnh tiềm ẩn".
Theo báo cáo, ước tính có đến 50.000 người trong độ tuổi 15-19 bị nhiễm HIV vào năm ngoái. Trên toàn khu vực, ước tính có khoảng 220.000 thanh thiếu niên từ 10-19 tuổi đang sống chung với HIV, và các thành phố như Bangkok, Hà Nội và Jakarta được coi là "trung tâm của căn bệnh". 10 quốc gia ảnh hưởng nặng nhất là Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Philippines, Papua New Guinea và Pakistan.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết, có khả năng chưa tới 1/3 số trẻ vị thành niên nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus để kéo dài cuộc sống.
Việc giám sát trong khu vực là một trong những khó khăn, vì ở nhiều nước, thanh thiếu niên không được phép làm xét nghiệm HIV, trừ khi cha mẹ chúng ký giấy chấp thuận. Chỉ có 10 nước ở Châu Á-Thái Bình Dương cho phép những người trẻ tuổi được tiếp cận xét nghiệm HIV và các dịch vụ liên quan mà không cần sự cho phép của cha mẹ.
"Nhiều đứa trẻ không muốn cha mẹ biết chúng đã có quan hệ tình dục. Điều đó đặt một rào cản giữa chúng với các xét nghiệm", cố vấn Wing-Sie nói. "Nếu chúng quay lưng lại với việc xét nghiệm, chúng có thể mang virus HIV mà không hay biết".

Tố Quyên (lược dịch từ Reuters & Trust)