Một tiết học của sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế

Chú trọng thực hành

“Nếu trước đây phương pháp dạy học thiên về phương pháp truyền đạt hai chiều, tức giảng viên hỏi sinh viên trả lời thì bây giờ, giáo viên ở khoa thay đổi phương pháp dạy học bằng cách tổ chức dưới nhiều hình thức hơn để nâng cao năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo và tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, hay nói cách khác là chú trọng quan điểm dạy học kiến tạo trong đào tạo sinh viên”, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học cho biết. Sự thay đổi này giúp sinh viên có thể tự tin đưa ra quan điểm trong tiếp cận bài học và trao đổi, chia sẻ với giảng viên chứ không còn học một cách thụ động như trước.
Trong công tác giảng dạy, một trong những điểm được khoa quan tâm và đã thực hiện được gần đây là, đối với các môn khoa học cơ bản, luôn có sự kết hợp giữa làm rõ kiến thức khoa học cơ bản trong chương trình học với kiến thức thực tiễn trong trường tiểu học. Tức là, các kiến thức khoa học này phục vụ cho nội dung dạy học như thế nào trong chương trình sách giáo khoa của tiểu học sẽ được làm rõ. Đối với các môn phương pháp dạy học, khoa kết hợp với các trường tiểu học tổ chức cho sinh viên thực hành giảng trên chính đối tượng học sinh. “Cứ một học phần phương pháp dạy học sẽ có 10-15 tiết thực hành giảng và 50% trong số đó là thực hành giảng tại các trường tiểu học. Các em không phải giảng với nhau trên sinh viên nữa mà giảng trên đối tượng học sinh tiểu học. Như vậy đòi hỏi sinh viên không chỉ chú trọng kiến thức mà cả kỹ năng sư phạm và được rèn luyện năng lực sư phạm ngay trong các học phần phương pháp, chứ không phải để đến thực tập và kiến tập mới được rèn luyện”, PGS.Thoa nói.
Gắn học phần thực tế với các trường tiểu học là sự đổi mới nữa theo hướng chú trọng thực tiễn của khoa trong 5 năm trở lại đây. Theo đó, thay vì thực tế tại các tỉnh thành và đi tìm hiểu các địa danh, di tích lịch sử như trước đây, bây giờ sinh viên của khoa về trực tiếp tại các trường tiểu học để tìm hiểu thực tế các hoạt động giáo dục địa phương của trường tiểu học trong thời gian 7 tuần của một học kỳ năm thứ 3. Đây chính là điểm khác so với các khoa, trường khác - sinh viên chỉ đi kiến tập và thực tập. Trong 7 tuần này, sinh viên sẽ đi về trường mỗi tuần ít nhất 1 buổi hoặc 1 ngày tuỳ theo lịch học nhằm tìm hiểu công tác tổ chức lớp học, việc chuẩn bị lên lớp giảng dạy của giáo viên, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể, công tác quản lý của trường và các hoạt động giáo dục của địa phương. Chẳng hạn như có những vấn đề gì về lịch sử, địa lý của địa phương có liên quan đến chương trình tiểu học, sinh viên phải tự tìm hiểu để từ đó phân tích, đưa nội dung lịch sử, địa lý ở địa phương vào trong bài học nào trong chương trình tiểu học một cách hợp lý. Bảy tuần thực tế này cũng là quãng thời gian giúp sinh viên tăng cường hơn về thực tiễn để khi đi thực tập, kiến tập không còn bỡ ngỡ. Theo nhiều giảng viên trong khoa, thực tế là sinh viên không chỉ đi 1, 2 buổi/tuần mà các em đi nhiều buổi, rảnh khi nào và nếu liên hệ được các thầy cô ở trường tiểu học, sinh viên lại về trường để “học việc”, quan sát hoạt động của thầy cô và các trường cũng rất khuyến khích, tạo điều kiện cho sinh viên. 5 năm qua, cán bộ giảng viên của khoa cũng thường xuyên đưa sinh viên về tìm hiểu thực tiễn và chuyên đề tại các trường tiểu học đặc biệt là trường có thí điểm mô hình mới (chương trình VNEN).
Đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Hướng tới đào tạo sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt ngoài kiến thức chuyên môn nghiệp vụ vững vàng phải có kỹ năng xử lý tình huống trong cuộc sống, thời gian qua, Khoa Giáo dục tiểu học rất quan tâm đến các hoạt động về nghiệp vụ sư phạm và bồi dưỡng kỹ năng mềm cho sinh viên. Khoa chủ trương tăng cường các mối quan hệ để sinh viên về các trường, tìm hiểu hoạt động của trường nhiều hơn; tổ chức thành lập câu lạc bộ (CLB) KTU (Skills Knowledge - Beauty University: Kỹ năng - Trí tuệ - Duyên Dáng) và cử 2 giảng viên, trong đó có 1 lãnh đạo khoa, làm cố vấn cho CLB này. Hầu như các ngày trong tuần và các tuần trong tháng, CLB KTU đều tổ chức tập huấn kỹ năng cho sinh viên về nghiệp vụ sư phạm, các hoạt động ngoài giờ lên lớp,...
Khoa cũng chỉ đạo liên chi đoàn, chi hội tổ chức nhiều hoạt động như: Diễn đàn giáo dục sức khoẻ giới tính, Hội thi nghiệp vụ KTU,... hằng năm để tăng cường rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Năm nay, hướng đến kỷ niệm 20 năm thành lập khoa, khoa đưa ra ý tưởng tổ chức hội thi ý tưởng sáng tạo - KTU nhằm mục tiêu khuyến khích và nâng cao năng lực hoạt động và tổ chức các sự kiện cộng đồng cho sinh viên. Mỗi sinh viên hoặc một nhóm sinh viên được khuyến khích đề xuất các dự án có tác dụng hỗ trợ các hoạt động trong học sinh ở các trường tiểu học, ví dụ như hoạt động mang tính thiện nguyện, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc học sinh yếu, tổ chức các sự kiện giúp học sinh các trường tiểu học trong tỉnh có thêm nhiều hoạt động kỹ năng phòng tránh tai nạn học đường,... Hội thi là một sân chơi thú vị để sinh viên đưa ra ý tưởng sáng tạo mới chứ không chờ thầy cô đưa ra cái gì làm cái nấy nữa. Các sinh viên sẽ phải thuyết minh cho hội đồng nghe và khoa sẽ trao giải thưởng cho những dự án có tính khả thi, có ý nghĩa phục vụ cộng đồng, nhất là phục vụ các trường tiểu học. Nhờ đó, các em sẽ xây dựng chương trình “động” hơn và có ý nghĩa thiết thực hơn.
“Tất cả các thầy cô trong khoa đều hướng đến tôn chỉ phục vụ cho sinh viên nên năm nào, khoa cũng tổ chức nhiều sự kiện để sinh viên có nhiều cơ hội tham gia rèn luyện bản thân. Vì sinh viên của khoa rất đông nên nếu tham gia các hoạt động của trường tổ chức thì chỉ một số em có thể tham gia. Do đó, khoa tổ chức nhiều sân chơi cho sinh viên, đặc biệt là sân chơi nghiệp vụ sư phạm để sinh viên ra trường phục vụ được ngay chứ không phải đào tạo hay bồi dưỡng thêm. Thực tế đã chứng minh, nhiều sinh viên của khoa ra trường mới 2-3 năm đã được nhận bằng khen giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua,... Có những em được bổ nhiệm các chức vụ cao của trường tiểu học, lãnh đạo phòng giáo dục của các sở. Đi đâu cũng nghe thầy cô khen sinh viên của khoa đào tạo ra rất chắc kiến thức và nghiệp vụ. Để có được điều đó, khoa luôn phải nỗ lực hết mình trong đào tạo, không thể để tụt hậu”, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Thoa khẳng định.
Bài, ảnh: Ngọc Hà