Theo báo cáo của Sở Lao động TB&XH, tổng nguồn vốn huy động cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tình giai đoạn 2011-2015 trên 3.200 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất. Các chính sách về nhà ở, vay vốn, giải quyết việc làm, tiếp cận các dịch vụ và trợ giúp pháp lý, giúp người nghèo hưởng thụ thông tin… đã được chú trọng. Kết quả, năm 2015, dự ước tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 4,5%. Tại buổi làm việc, tỉnh đề nghị các bộ ngành, TW sớm ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế thực hiện dự án cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo để thuận tiện cho địa phương trong quá trình thực hiện; đề nghị thống nhất hỗ trợ một mức cho đối tượng hộ cận nghèo và tăng mức đầu tư hàng năm lên 1,5- 2 tỷ đồng/xã…

Các đại biểu trong đoàn kiểm tra và lãnh đạo đại diện các sở, ngành, đơn vị đã cùng trao đổi làm rõ một số nội dung liên quan. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật nhấn mạnh: Thừa Thiên Huế đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo, có những chính sách riêng, đặc thù nhằm hỗ trợ cho người nghèo vươn lên; đồng thời đề nghị Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo bền vững của TW và của tỉnh như: đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ tiền điện, nhà ở, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng khó khăn; tuyên truyền giáo dục ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân.

Đồng chí Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu ý kiến đóng góp của đoàn kiểm tra, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo giảm nghèo Trung ương đối với công tác xoá đói, giảm nghèo ở địa phương. 

Huế Thu