Washington đang cố gắng thuyết phục Pakistan thực hiện một tuyên bố đơn phương về việc “kiềm chế” chương trình hạt nhân của mình, nhưng các quan chức Pakistan khẳng định Islamabad sẽ không chấp nhận những giới hạn về việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ để ứng phó với các mối đe dọa được cho là do Ấn Độ gây ra.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng ngày 22/10. Ảnh: Reuters

Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo ra một tuyên bố chung nhấn mạnh, “tất cả các bên cần tiếp tục hành động với sự kiềm chế tối đa và hợp tác theo hướng tăng cường ổn định chiến lược ở khu vực Nam Á”.

Theo Nhà Trắng, bản tuyên bố cũng cho biết, ông Obama và ông Sharif bày tỏ cam kết thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Afghanistan; đồng thời kêu gọi lãnh đạo nhóm Taliban quay lại bàn đàm phán trực tiếp với Kabul, các cuộc thảo luận đã bị đình trệ kể từ khi khai mạc tại Pakistan hồi tháng 7 vừa qua.

“Phải mất một thời gian để vượt qua trở ngại này, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng một lần nữa”, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Các cuộc nổi dậy của Taliban leo thang kể từ khi hàng chục ngàn binh sĩ do Mỹ dẫn đầu rút khỏi Afghanistan trước thời hạn chót vào năm 2014.

Ngoài ra, một nguồn tin Mỹ cho hay, bất chấp những căng thẳng, chính quyền Obama đang chuẩn bị bán cho Islamabad 8 máy bay chiến đấu F-16 trong một nỗ lực để củng cố mối quan hệ song phương. Theo các quan chức Pakistan, ông Sharif “bày tỏ sự hài lòng với những hợp tác đạt được trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước”.

Mỹ đang ngày càng quan tâm về kho vũ khí hạt nhân của Islamabad, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Pakistan và Ấn Độ, nước láng giềng – đồng thời là quốc gia vũ khí hạt nhân đối thủ của Pakistan.

Islamabad cho rằng, vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ là cần thiết để ngăn chặn một cuộc tấn công bất ngờ từ Ấn Độ, nhưng Washington lo ngại loại vũ khí này có thể tiếp tục gây bất ổn trong khu vực và khó khăn để ngăn chặn chúng rơi vào tay chiến binh cực đoan.

Các quan chức Pakistan nói rằng, Washington đang đòi hỏi giới hạn bất hợp lý về vũ khí hạt nhân của mình, trong khi chỉ đổi lại một “lời hứa mơ hồ” về việc sẽ xem xét để công nhận Pakistan là một quốc gia công nghệ hạt nhân.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, kể từ năm 2011, Pakistan đã triển khai 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn mang đầu đạn hạt nhân và 1 tên lửa đạn đạo tầm trung mới, cũng như đã phát triển 2 tên lửa đạn đạo hạt nhân có khả năng mở rộng phạm vi và 2 tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.

Theo ước tính, kho dự trữ của Pakistan tăng lên 110-130 đầu đạn từ 90-110 đầu đạn trong năm 2011 và có thể đạt 220-250 đầu đạn vào năm 2025, khiến nước này trở thành quốc gia có vũ khí hạt nhân lớn thứ 5 trên toàn thế giới.

Lê Thảo (lược dịch từ Reuters & CNN)