Sự khác biệt dường như đang ngày càng tăng giữa lập trường của Ả Rập Saudi và Ai Cập - một đồng minh thân cận về vấn đề Syria. Không giống Ả Rập Saudi, quốc gia hậu thuẫn cho một số nhóm nổi dậy ở Syria, phía Ai Cập hoan nghênh các cuộc không kích của Nga ở đất nước này nhằm chống lại quân nổi dậy.


Cuộc họp của quan chức cấp cao các nước về vấn đề Syria. Ảnh: Thefiscaltimes

Moscow nói rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải là một phần của bất kỳ quá trình chuyển đổi chính trị nào và rằng, người dân Syria sẽ quyết định ai là người cai trị. Trong khi đó, Washington cho biết có thể chấp nhận ông Assad trong thời gian ngắn, nhưng sau đó, vị Tổng thống này phải rút khỏi sân khấu chính trị.

Trong một loạt các hoạt động ngoại giao xung quanh cuộc khủng hoảng Syria, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 24/10 đã đến thăm thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi và hai nước nhất trí tăng cường hỗ trợ cho phe đối lập ôn hoà Syria trong khi tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài hơn 4 năm qua.

Tại một cuộc họp báo tại Cairo với Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, ông Jubeir nói: "Tôi tin rằng đã có một số tiến bộ và đang ngày càng tiến gần hơn đến việc tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, mặc dù không thể nói rằng chúng tôi đã đạt được thỏa thuận. Chúng tôi vẫn cần thêm các cuộc hội đàm để đạt được điểm này".

Ngoại trưởng Jubeir không đưa ra chi tiết về những gì đạt được, nhưng nhắc lại lập trường lâu nay của Ả Rập Saudi rằng Tổng thống Syria Assad phải ra đi, và cho biết, Riyadh ủng hộ việc thành lập một cơ quan cầm quyền chuyển tiếp – tổ chức sẽ viết ra một hiến pháp mới và chuẩn bị cho cuộc bầu cử. "Không có vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad trong tương lai của Syria," ông nói.

Một nghị sĩ Nga đã gặp ông Assad ngày hôm qua cho biết, vị Tổng thống Syria sẵn sàng kêu gọi cuộc bầu cử nếu cần thiết, nhưng ưu tiên hàng đầu của ông là đánh bại những kẻ khủng bố.

Phiến quân đâng kêu gọi sự hỗ trợ quân sự nhiều hơn từ những các nhóm ủng hộ nước ngoài, trong đó có Ả Rập Saudi, để đối đầu với những cuộc tấn công của quân đội Syria. Những cuộc tấn công này được hậu thuẫn bởi các lực lượng chiến đấu Hezbollah và Iran cũng như các cuộc không kích của Nga.

"Tôi tin rằng, giải pháp cuối cùng mà tất cả chúng ta đều hi vọng cho Syria chính là một quốc gia thống nhất, trong đó tất cả các giáo phái sống bình đẳng và là một đất nước không có các lực lượng nước ngoài", ông Jubeir nói.

Ai Cập vẫn chưa công khai trả lời cho lời kêu gọi từ phía Nga tham gia vào các cuộc đàm phán quốc tế cùng với Iran về vấn đề Syria trong tương lai.

Bảo Nghi (lược dịch từ Reuters & AP)