Theo đánh giá của các nhà lãnh đạo ở hội nghị, cuộc họp lần này là cơ hội tốt nhất để cứu trái đất - như phát biểu của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trong phiên khai mạc hội nghị: “Đây là thời điểm quan trọng cho tương lai của các nước, cho người dân, và cho ngôi nhà chung - hành tinh của chúng ta. Chúng ta không thể chần chờ được nữa”.

COP21 quy tụ đại diện 196 quốc gia trên thế giới. Ảnh: Neurope

Mục tiêu của COP21 là cắt giảm lượng khí thải đủ để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C. Các khoa học gia cảnh báo rằng, nếu không làm như vậy thì các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, băng cực tan, mực nước biển dâng cao... sẽ tiếp tục gia tăng, đe doạ cả thế giới.

Những con số đáng báo động

Ngày 26/11, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) khẳng định, biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino ở Thái Bình Dương đã biến năm 2015 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử. Tổng giám đốc WMO Michel Jarraud cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,02 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Tuy nhiên, WMO dự báo chắc chắn năm 2016 sẽ còn nóng hơn năm 2015 do lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển gia tăng và El Nino sẽ tiếp diễn.

Theo thống kê của LHQ, trong 20 năm qua, có 3.062 trận lũ, 2.018 trận bão, 405 trận động đất, 387 vụ sạt lở đất. Các thảm hoạ thời tiết trong khoảng thời gian đó đã cướp đi sinh mạng của 606.000 người trên thế giới, làm 4,1 tỉ người bị thương, mất nhà cửa và rơi vào tình trạng khẩn cấp cần được giúp đỡ. Nếu các nước không nỗ lực cắt giảm lượng phát thải thì nhiệt độ Trái Đất có thể tăng lên 4,8 độ C vào cuối thế kỷ này và đây sẽ là thảm họa đối với nhân loại, nhất là khi mực nước biển có thể dâng cao đến 2m, nhấn chìm nhiều quốc gia đảo nhỏ và các vùng cửa sông, ven biển và đồng bằng trên trái đất, trong đó Việt Nam nằm ở vị trí thứ 3 trong những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.

Tăng cường cam kết tài trợ

Trước tình hình đó, AFP ngày 1/12 cho biết, Mỹ, Pháp, Ấn Độ và 17 nước khác trong khuôn khổ COP21 đã cam kết tăng gấp đôi số tiền 10 tỷ USD mà họ cùng đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch trong 5 năm tới.

Cụ thể, Tổng thống Pháp tuyên bố nước này sẽ viện trợ 2,1 tỷ USD cho các nước châu Phi để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế nhiên liệu hoá thạch. Trong khi đó, Brazil và Na Uy công bố sẽ nới rộng chương trình hợp tác để bảo vệ rừng nhiệt đới ở Brazil. Anh, Đức và Na Uy cũng cam kết sẽ cung cấp 1 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm tới để khuyến khích các nước theo đuổi chỉ tiêu giảm khí thải do LHQ đề ra. Colombia cũng không đứng ngoài cuộc khi công bố sẽ thực thi những kế hoạch “tăng trưởng xanh” với sự trợ giúp của 3 nước nói trên.

Thúc đẩy các giải pháp và sáng kiến mới

Bên cạnh tăng cường cam kết viện trợ, COP21 cũng tập trung vào các giải pháp, các sáng kiến mới nhằm hạn chế các hoạt động gây ra sự biến đổi khí hậu hiện nay.

Phát biểu tại COP21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết, Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ khí hậu xanh từ nay đến năm 2020. Đối với giai đoạn sau 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nhưng Việt Nam vẫn cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải nhà kính vào năm 2030, và có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Lãnh đạo các nước và đại diện các tập đoàn giàu có đã cùng nhau triển khai các sáng kiến nhằm thúc đẩy việc chuyển từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Theo NYT, một trong những sáng kiến quan trọng được lãnh đạo các nước Mỹ, Pháp, Ấn Độ và tỷ phú Mỹ Bill Gates cùng triển khai là “Nhiệm vụ đổi mới” nhằm cải thiện công nghệ trong sản xuất năng lượng sạch.

Theo Tổng thống Mỹ Obama, chống biến đổi khí hậu cần phải đi kèm với việc sử dụng công nghệ mới, với sự hợp tác của các chính phủ và tư nhân để tạo ra bước nhảy vọt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ngoài sáng kiến trên, tỷ phú Bill Gates cũng sẽ triển khai “Liên minh năng lượng đột phá” nhằm đưa những công nghệ mới trong việc sản xuất năng lượng sạch ra thị trường thế giới.

Ngày 2/12, Tổng thống Obama cho biết sẽ thúc đẩy để một số khía cạnh trong thoả thuận khí hậu giữa các nước có tính ràng buộc pháp lý, xoá bỏ những khúc mắc giữa EU và một số nước đang phát triển. Một ngày trước đó, người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cùng với lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Canada, Chile, Mexico, Ethiopia đã cùng kêu gọi áp đặt thuế khí thải carbon nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Tổng thống Pháp cho rằng, “áp đặt thuế carbon là một công cụ cần thiết để những người tham gia cuộc chơi trong nền kinh tế thay đổi hành vi của mình”.

Trong khi đó, để giảm lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch, Indonesia cho biết nước này sẽ theo đuổi kế hoạch tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo đến 23% hỗn hợp năng lượng quốc gia vào năm 2025. Tổng thống Widodo cũng đề cập đến những quy định nhằm chống phá rừng, bao gồm một lệnh cấm khai thác mới ở các rừng nguyên sinh và đất than bùn.

Tố Quyên (Tổng hợp & lược dịch từ NYT, Reuters & The Guardian)