Hình bóng đô thị Huế soi bóng xuống dòng sông Hương

Có thể nói, cảnh quan hai bên bờ sông Hương khá nhạy cảm bởi những thay đổi của các công trình kiến trúc. Không chỉ những công trình có chiều kích lớn, mà cả những công trình quy mô nhỏ, nhưng kiến trúc không phù hợp cũng rất khó “chung sống” với kiến trúc hiện có, vốn đã bảo đảm tính ổn định và hài hòa trong một thời gian dài. Đó là lý do tại sao, một công trình xây dựng như Tòa nhà Trung tâm Thương mại Vincom Hùng Vương và khách sạn 5 sao Vinpeal Huế cao 33 tầng ở cách sông Hương khá xa gặp phải sự quan ngại của nhiều người, hay như các công trình dự án thí điểm do nhà tư vấn Hàn Quốc đề xuất mới đây cũng khiến nhiều chuyên gia băn khoăn về tính hợp lý của nó. Nói như vậy để thấy, việc xây dựng công trình ở hai bên bờ sông Hương cần thiết phải cân nhắc thiệt hơn, song, cũng cần nhất quán quan điểm rằng, vấn đề bảo tồn cũng quan trọng như phát triển, việc xây dựng hợp lý các công trình kiến trúc mới là rất cần thiết, điều này vừa phản ảnh sự phát triển của đô thị, vừa bảo đảm những yếu tố công năng mới để phục vụ cho sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Phó Giáo sư – TS – KTS Tôn Đại, chuyên gia hàng đầu về kiến trúc quy hoạch cho rằng: Điểm nhìn & Silhouette đô thị (hình bóng đô thị) là những vấn đề cần được đặc biệt chú trọng trong thiết kế đô thị. Với sông Hương, việc tạo ra hình ảnh này là rất quan trọng. Với vẻ đẹp vốn có của con sông này, các nhà quy hoạch cần phải tạo ra được những nhịp điệu của đô thị ở hai bên sông, nhất là khu bờ Nam sông Hương, bảo đảm yếu tố thị giác và cảm xúc thẩm mỹ cho người nhìn. Theo PGS Tôn Đại, việc tạo ra các công trình điểm nhấn kiến trúc là rất quan trọng đối với đô thị, vấn đề ở đây là phải hoạch định cụ thể các vị trí có thể xây dựng các công trình. Chúng ta hạn chế chiều cao các tòa nhà tiệm cận bờ sông, nhưng không phải tất cả đều hạn chế. Và quan trọng hơn, trong không gian các điểm nhấn kiến trúc nếu được đặt ở vị trí phù hợp có thể đối thoại với nhau, tạo nên ngôn ngữ kiến trúc và nhịp điệu sinh động cho đô thị.  

TS-KTS Đặng Minh Nam, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế trong một lần trao đổi với chúng tôi cũng cho rằng: “Nếu có thiết kế đô thị, chúng ta sẽ dễ hình dung về hình dáng của đô thị trong tương lai, và sẽ thuận lợi hơn cho công tác quản lý quy hoạch và hạn chế những tranh cãi khi xây dựng các công trình nhà cao tầng ở khu vực gần bờ sông Hương”.

Từ những ý kiến trên của các chuyên gia, chúng ta thấy rằng Huế hiện vẫn đang thiếu thiết kế đô thị và quy hoạch kiến trúc mặt đứng khu vực hai bên bờ sông Hương. Tuy vậy, vấn đề này vẫn chưa thấy các nhà tư vấn Quy hoạch của Hàn Quốc đưa vào nghiên cứu trong quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương.

Có thể nói, việc tạo ra Silhouette đô thị có tác động mạnh vào thị giác và để lại ấn tượng khá sâu đậm vào cảm thức của con người. Với sông Hương, các nhà thiết kế đô thị hoàn toàn có thể tạo ra được những hình bóng đẹp và đầy chất thơ, những tính toán cần thiết có thể đẩy hình bóng ấy đón được nhiều điểm nhìn thú vị hơn, tôn thêm hình ảnh “bài thơ đô thị Huế” trong mắt người nhìn ngắm.  

Quang Phong