Bản chất của gắn kết ở đây là gì? Hẳn nhiên, sản phẩm phải gắn với thị trường. Nhưng khi sản phẩm không đo được thị hiếu, sức mua sẽ tạo nên một thị trường ì ạch; tạo nên một tâm lý hụt hẫng từ phía người có nhu cầu và sự đánh giá trở lại một cách thiếu tích cực với chính khả năng, sự sáng tạo không chỉ của làng nghề mà còn cả với địa phương sở tại. Một vấn đề khác tiếp tục được đặt ra, tại sao không ít chương trình khuyến công, nguồn vốn khuyến công đã được đưa vào thực thi nhưng hiệu quả trên thực tiễn vẫn chỉ là những câu hỏi cũ, và chúng cứ lơ lửng và sẽ tiếp tục lơ lửng trên các diễn đàn?

Xem xét, đánh giá hiệu quả thực chất của lĩnh vực này một cách nghiêm túc có thể đưa ra được những kiến giải từ khía cạnh mà nó đang có “sứ mệnh” xây dựng. Việc này theo chúng tôi không khó. Cái khó lại ở chỗ tâm lý e dè và cầm chừng trong bản thân người của làng nghề, cơ sở của làng nghề. Nói thiếu sự quả quyết có lẽ cũng đúng, nhất là khi người làm ra sản phẩm vẫn chưa tự tin khi đưa chúng ra thị trường khi chúng chưa mới, chưa độc đáo, chưa tiện dụng…
Gắn kết với thị trường du lịch rõ ràng là điều kiện cần và đủ để tạo ra các giá trị tăng thêm không chỉ ở thu nhập, giải quyết công ăn việc làm, an sinh xã hội mà còn có để tạo ra sự tăng trưởng trong phát triển của chính sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nhưng ở đây câu chuyện của gắn kết có vẻ như còn tồn tại ở chỗ, bản thân người làm sản phẩm và các cơ sở thủ công mỹ nghệ cũng thiếu sự gắn kết với nhau để tạo thành chuỗi sản phẩm đa dạng. Người ta dè chừng bởi sự nhang nhác của mẫu mã, chất liệu khi tính bản quyền với những chế tài của nó vẫn chưa thực sự rốt ráo, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh về giá. Cũng chưa thấy vai trò của một người điều phối thực sự đủ quy mô để đánh giá, thăm dò, bắt nhịp thị trường, thiết kế mẫu mã và quy tụ, đặt hàng và phân nhóm người/cơ sở sản xuất…để tạo thành chuỗi giá trị. Và như vậy, những cái mới đang có cũng dễ bị đặt vào sự lẻ tẻ và rời rạc trong những hỗ trợ của mong muốn phát triển với những nỗ lực tự thân.
Bình Nguyên