Quá trình thực hiện quyết định đã có hiệu quả nhất định trong việc quản lý đảng viên đương chức. Quần chúng nhân dân có điều kiện để phát hiện những vấn đề có liên quan đến từng đảng viên ở địa bàn dân cư. Đảng viên cũng phải giữ gìn trong sinh hoạt khi về sinh sống ở địa phương. Và ý nghĩa hơn cả đó là tạo điều kiện cho dân gần Đảng, Đảng gần dân, lắng nghe ý kiến Nhân dân.

Ý nghĩa quan trọng của quy định là vậy, nhưng thực tế vẫn có nhiều vấn đề bất cập cần thay đổi, bổ sung để kết quả thực thi có hiệu lực hơn. Quy định bắt buộc đó là hàng năm đảng viên phải sinh hoạt tại chi bộ địa phương 2 lần. Nhưng những lần sinh hoạt đó có hiệu quả gì thì cũng cần phải bàn thêm. Trong một buổi sinh hoạt, thông thường được nghe bí thư chi bộ thông báo tình hình ở khu dân cư, nghe cấp trên báo cáo lãnh đạo của Đảng ở địa phương. Thế nhưng đảng viên đương chức chỉ “như vịt nghe sấm”. Khi được hỏi ý kiến hoặc góp ý thì hầu hết đảng viên đều “nhất trí” và không có ý kiến gì thêm. Thực ra thì cũng chẳng biết góp ý gì cho nhiệm vụ chính trị ở địa phương, có chăng thì nêu ra một vài việc xích mích trong sinh hoạt, vệ sinh môi trường, gia đình này nọ còn gây ồn ào… Kết thúc buổi sinh hoạt chưa đầy 1 giờ rồi thì đóng góp “gặp mặt thân mật”...
Theo quy định thì khi được đề bạt, kết nạp Đảng, xét thi đua cuối năm… phải lấy ý kiến ở nơi cư trú theo mẫu được in sẵn. Một thực tế là phần lớn (gần như 100%) đều được nhận xét tốt. Kiểu như là: “sinh hoạt đầy đủ ở địa phương”, “gia đình (bản thân) chấp hành tốt quy định ở địa phương”, “đóng góp đầy đủ cho các phong trào”… Có anh (chị) chưa thực tốt nhưng cũng được nhận xét, đại ý là: cần phải sinh hoạt đầy đủ hơn, đi họp đều hơn… Cái cốt lõi quan trọng là dân (thông qua đại diện tổ dân phố, bí thư chi bộ) gần như chưa bao giờ phát hiện tiêu cực, tham nhũng của đảng viên ở khu dân cư. Có những anh xây nhà to, có xe hơi đắt tiền nhưng không biết anh ta làm gì để có tiền đó, mức lương (bổng lộc) có phù hợp với tài sản hiện hay không. Có nghi vấn chăng nữa thì tổ trưởng dân phố cũng như bí thư chi bộ cũng không dám viết vào bản nhận xét vì sợ… mất lòng.
Chủ trương đúng, nhưng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đảng viên ở nơi cư trú cần phải xem xét bổ sung chặt chẽ hơn, phù hợp với thực tế.     
TRƯỜNG ĐÁ