(Ảnh minh họa. Trần Việt/TTXVN)

Theo Bộ Tài chính, sau ba năm đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu EU (EVFTA) đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc và sẽ tiếp tục hoàn thiện các vấn đề về kỹ thuật, pháp lý để tiến tới ký kết chính thức. Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan sau chín năm đối với ôtô dung tích xilanh lớn (trên 3.000cc cho động cơ xăng và trên 2.500cc cho động cơ diezel) và sau 10 năm sẽ xóa bỏ đối với các loại ôtô còn lại. 

Trước đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) chính thức ký kết. Linh kiện ôtô và ôtô nguyên chiếc có dung tích xilanh từ 3.000cc trở lên cũng nằm trong diện được cắt giảm thuế. Lộ trình để áp dụng mức thuế suất 0% đối với xe ôtô nhập khẩu từ Hàn Quốc về Việt Nam là 10 năm. Tương tự, từ năm 2018, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường ôtô cho các nước khu vực ASEAN là thành viên AFTA, với thuế suất thuế nhập khẩu giảm về 0%. 

Đặc biệt, gần đây khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được thông qua, người dân càng có thêm lý do để kỳ vọng vào một tương lai ngày càng "sáng lạn" hơn đối với thị trường ôtô nhập khẩu” khi Bộ Tài chính cho biết, theo cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam dành cho các nước, sản phẩm ôtô sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ôtô mới. Riêng ôtô con có dung tích xilanh từ 3.000cc trở lên (chủ yếu là các xe hạng sang) có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10. 

Cũng theo Bộ Tài chính, Việt Nam sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với ôtô cũ với lượng hạn ngạch ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16. Thuế trong hạn ngạch sẽ giảm về 0% vào năm thứ 16. Thuế ngoài hạn ngạch thực hiện theo mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN). 

Theo ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, do ôtô cũ là mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu nên mức hạn ngạch được xây dựng nhỏ để kiểm soát tốt số lượng ôtô cũ vào Việt Nam. Con số hạn ngạch như trên sẽ không tác động lớn tới thị trường trong nước. 

Ông Hà Duy Tùng cũng cho biết thêm, xe dung tích xilanh lớn được xóa bỏ thuế sớm hơn các dòng xe có dung tích nhỏ hơn là do xuất phát từ yêu cầu bảo hộ với mặt hàng trong nước. Ôtô sản xuất trong nước chủ yếu là các dòng xe có dung tích xilanh dưới 3.000cc nên thời gian xóa bỏ thuế nhập khẩu sẽ có lộ trình dài hơn, sau 13 năm từ khi cam kết TPP chính thức có hiệu lực. Với những dòng xe có dung tích lớn hơn, lộ trình xóa thuế nhập khẩu là sau 10 năm. 

“Và khi mức thuế suất giảm dần, lượng xe sẽ vào Việt Nam nhiều hơn với đa dạng chủng loại. Khi đó, sẽ có sự cạnh tranh và giá kỳ vọng sẽ giảm," ông Tùng chia sẻ. 

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng về mặt nguyên tắc, nếu thuế nhập khẩu được xóa bỏ, giá nhiều mẫu xe sẽ giảm mạnh và người dân hoàn toàn có thể kỳ vọng sở hữu những dòng xe nhập khẩu có giá “bình dân." 

Tuy nhiên, ngoài thuế nhập khẩu giá xe ôtô nhập khẩu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố về thuế, phí khác như thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây được coi là hai dòng thuế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá xe nhập khẩu. 

Theo phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe ôtô nhập khẩu được Chính phủ trình Quốc hội, từ ngày 1/7/2016 sẽ tăng mạnh thuế đối với các dòng xe có công suất lớn. Chiều ngược lại, Chính phủ chọn phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe ưu tiên phát triển có dung tích xilanh dưới 2.0 với mức giảm 5-25%. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô nhập khẩu mới là để đảm bảo công bằng với xe sản xuất trong nước. 

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính), thì việc giảm thuế ở các dòng xe nhỏ nhằm thúc đẩy tiêu thụ dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân. Theo lộ trình, trong 2 năm 2016, 2017, thuế suất tiêu thụ đặc biệt cho xe dung tích dưới một lít sẽ giảm 5% về 40%; năm 2018 giảm tiếp về 30% và năm 2019 chỉ còn 20%. 

Do đó, tính toán của Vụ Chính sách Thuế cho thấy đến năm 2019 - thời điểm cuối cùng trong lộ trình giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá những dòng xe được ưu đãi nhất (xe dung tích dưới một lít) thậm chí có thể giảm 42% so với hiện nay. 

Ngược lại, với quyết định tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt cao với dòng ôtô nhập khẩu dung tích lớn thì một số chuyên gia kinh tế cho rằng cách tính thuế này nhằm đảm bảo tính đồng bộ với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. 

Song chuyên gia kinh tế Đỗ Duy Cường lại lo ngại phương án tính thuế này sẽ khiến thị trường ôtô nhập khẩu có nhiều biến động bởi các loại xe dung tích lớn có thể phải chịu mức thuế suất cao gấp 2,5 lần hiện nay khiến cho mức giá bán lẻ tăng lên đáng kể. 

Bên cạnh đó, ngày 28/10 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính trên giá bán buôn của các đơn vị nhập khẩu thay vì chỉ tính trên giá nhập khẩu (giá CIF) cộng với thuế nhập khẩu như trước đây. 

Như vậy, với cách tính mới, giá thuế tiêu thụ đặc biệt phải cộng thêm cả lợi nhuận của doanh nghiệp, cước vận chuyển từ nơi sản xuất đến đại lý, chi phí bán hàng, quảng cáo... Vì thế, xe ôtô nhập khẩu có thể sẽ tăng giá khi các doanh nghiệp bị đội thêm Thuế tiêu thụ đặc biệt. Lộ trình giảm thuế nhập khẩu đã có nhưng với những biến động về thuế tiêu thụ đặc biệt thì giá xe nhập khẩu đến tay người tiêu dùng chưa chắc đã giảm, và giấc mơ sở hữu “xế hộp” của người tiêu dùng với giá bình dân dường như vẫn còn xa lắm./. 

Theo TTXVN