Tiến hành khảo cổ học trước khi trùng tu lăng Thiệu Trị. Ảnh: DT

Những dấu ấn

Hội KHLS có 195 hội viên, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành của khoa học lịch sử và các ngành liên quan, như: khảo cổ học, văn hóa - du lịch, văn học cổ, văn hóa học… Trong số hội viên có 15 PGS, 29 tiến sĩ; trong đó, nhiều người giữ trọng trách trong các trường đại học ở Huế và cán bộ chủ chốt của tỉnh, nhiều cán bộ lão thành và nhà nghiên cứu lâu năm có uy tín trong cả nước.
Với đề tài khoa học cơ bản cấp Nhà nước “Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885”, Hội KHLS đã triển khai sưu tầm tư liệu và khảo sát điền dã tại cửa biển ở các tỉnh miền Trung, đảo Lý Sơn - quê hương hải đội Hoàng Sa. Trong khuôn khổ đề tài này, hội tổ chức hội thảo khoa học “Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc thế kỷ XIX” công bố tư liệu và những kết quả nghiên cứu mới nhất về biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn: Triều Nguyễn là triều đại đã vẽ nên một hình thể lãnh thổ đất nước thống nhất từ đất liền đến biển đảo để có một nước Việt Nam hoàn chỉnh hiện nay.
Đề cập đến những vấn đề, như: Văn hóa cung đình Huế nhìn từ nghi lễ tế tự, Trang phục dân gian Huế xưa, Bảo tồn và phát huy giá trị của ca Huế, Chuyện ăn – uống đường phố ở Huế..., hội thảo “Văn hóa Huế - Đặc điểm lịch sử và vấn đề bảo tồn, phát triển” làm rõ đặc điểm lịch sử của một đô thị văn hóa lâu đời mang tầm vóc thế giới. Từ đó khẳng định, di sản văn hóa Huế được khơi dậy và phát triển đúng hướng trở thành tiềm năng, là nguồn tài nguyên vô giá để khai thác du lịch, nên TP. Huế qua thực tiễn vận hành nhanh chóng được xác lập là đô thị văn hóa – du lịch đặc trưng của Việt Nam.
Mong muốn nhận diện về tính đặc thù đô thị trong lộ trình xây dựng tỉnh nhà sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Hội KHLS tổ chức Hội thảo “Đô thị Thừa Thiên Huế: Đặc điểm lịch sử và luận chứng phát triển”. Đây là hội thảo khoa học liên ngành lịch sử, kiến trúc, quy hoạch, văn hóa, đô thị học, khảo cổ học với sự tham gia của 3 nhà khoa học quốc tế Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, các kiến trúc sư đầu ngành của cả nước. Các chuyên gia đã phân tích chuyên sâu những đặc điểm lịch sử đô thị, khẳng định vị thế của đô thị Huế trong toàn bộ hệ thống đô thị Việt Nam và tìm ra luận chứng phát triển phù hợp với quy luật khách quan để giúp Thừa Thiên Huế có một chiến lược phát triển đô thị đúng đắn, phù hợp với quá khứ vùng đất và xu thế của thời đại, nâng cao nhận thức về vị thế lịch sử của đô thị Huế - đô thị di sản mang tầm vóc thế giới.
Khẳng định vị thế
Với nhiều hoạt động sôi nổi và chuyên sâu, Hội KHLS quy tụ đông đảo giới nghiên cứu lịch sử và văn hóa gắn bó với di sản Huế nhằm phát huy các giá trị tốt đẹp của vùng đất. Triển khai nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp Nhà nước, nhiều hội thảo khoa học liên ngành khoa học xã hội và nhân văn mà sử học làm chủ lực, xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị về lịch sử và văn hóa...
PGS. TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, Chủ tịch Hội KHLS Thừa Thiên Huế cho rằng: “Các hoạt động khoa học của hội mang tính tập hợp cao, có khả năng liên kết giới nghiên cứu trong tỉnh, trong nước và quốc tế nên đã tổ chức các hội thảo khoa học, thực hiện các đề tài, xuất bản các công trình mang tầm vóc quốc gia và quốc tế. Hoạt động của hội trong các nhiệm vụ tư vấn, giám định, phản biện đã góp phần điều chỉnh, hoàn thiện các đề tài, đề án, dự án của tỉnh, của các ngành đúng hướng và có hiệu quả thiết thực hơn”.
Nhờ kế hoạch hoạt động bám sát các nhiệm vụ chính trị và lợi thế sử học của vùng đất, 5 năm qua, Hội KHLS tỉnh đã khẳng định được vị thế, là một hội khoa học tiêu biểu hoạt động có hiệu quả trong các hội thành viên của Hội KHLS Việt Nam, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh. Từ đó, hội có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển sử học. Với những nỗ lực không ngừng, hội đã được Tỉnh ủy, Hội KHLS Việt Nam đánh giá cao và được UBND tỉnh công nhận là hội đặc thù của tỉnh.
PGS.TS Đỗ Bang cho biết, thời gian tới, bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh để góp sức về phương diện sử học của vùng đất, Hội KHLS sẽ xây dựng đề án “Văn hóa Huế - con người Huế: Bảo tồn và phát triển” - nhiệm vụ trung tâm trong nhiệm kỳ tới. Tổ chức các hội thảo khoa học mang tầm quốc gia, quốc tế, hướng chủ đề về đô thị hóa và quy hoạch trong lịch sử, vấn đề chủ quyền biển đảo, văn hóa và du lịch, các sự kiện, di tích và nhân vật lịch sử, như: “Vua Duy Tân và cuộc khởi nghĩa Trung Kỳ năm 1916”, nhân 100 năm khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục hội tại Trung Kỳ; “Triều Nguyễn với chủ quyền biển đảo”, nhân 200 năm triều đình Huế xác lập chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa”; “ Chúa Nguyễn với đất Đàng Trong”…
Minh Hiền