Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế so sánh với các tỉnh, thành khu vực miền Trung và cả nước. Tỉnh cũng đã nhận diện và có nhiều nỗ lực khai thác, phát huy các lợi thế đó. Trong mục tiêu phát triển tổng quát của tỉnh thời kỳ 2016-2020 vẫn tiếp tục xác định là phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững. Để thực hiện mục tiêu trên, cần phải có những đột phá nhằm khai thác các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là thu hút đầu tư cho phát triển, từ đó tạo bứt phát cho từng ngành, từng vùng, từng lĩnh vực.

Nhìn trên bình diện cả nước, chúng ta thấy nhiều tỉnh nghèo có sự bứt phá ngoạn mục trong những năm gần đây. Thành công của họ bắt đầu từ tìm được các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư vào những vùng trọng điểm từ đó tạo sự lan tỏa, thu hút đầu tư, phát triển cho các vùng phụ cận và các ngành liên quan. Bài học từ Quảng Ngãi với dự án đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hay Hà Tĩnh với nhà đầu tư Formosa đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng... đã đưa hai tỉnh nghèo trở thành những tỉnh có mức thu ngân sách cao của cả nước, tăng gấp hàng chục lần so với trước đó. Với Thừa Thiên Huế, Khu kinh tế Chân Mây được xác định là điểm nhấn trong phát triển, trở thành cực tăng trưởng trong phát triển công nghiệp và du lịch. Nhưng thực tế, trong những năm qua khu vực Chân Mây- Lăng Cô vẫn trầm lắng với nhiều dự án du lịch treo. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do các nhà đầu tư thiếu tiềm lực và một số đăng ký dự án theo kiểu xí phần. Cảng nước sâu Chân Mây gần đây có những dấu hiệu phát triển tích cực khi thu hút nhà đầu tư nước ngoài phát triển hạ tầng, đón tàu du lịch. Nếu chúng ta tích cực đổi mới trong xúc tiến đầu tư, tìm kiếm được các nhà đầu tư thực sự có tiềm lực thì đô thị Chân Mây gắn với phát triển cảng biển và du lịch không phải là điều quá khó so với tiềm năng lợi thế sẵn có.
Với mô hình phát triển khu công nghiệp, lâu nay chúng ta thường đánh giá qua số doanh nghiệp đăng ký, số vốn đầu tư, giá trị sản xuất hàng năm... Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta cần xem các khu công nghiệp như một cơ thể sống, không đơn thuần là nơi có các nhà máy nằm cạnh nhau. Điều này có nghĩa, giữa các nhà máy phải có mối liên hệ mật thiết, hỗ trợ nhau phát triển. Thực tế này được chứng minh, khi hãng sản xuất xe máy Honda đầu tư vào Vĩnh Phúc, rất nhiều dự án đầu tư khác cũng đầu tư vào đây làm vệ tinh cho Honda. Với vài dự án như vậy, từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc phát triển mạnh về công nghiệp.
Ở tỉnh ta, hiện nay khu công nghiệp Phong Điền- Viglacera được quy hoạch là KCN hỗn hợp đa ngành, công nghệ cao, hướng đến các ngành công nghiệp ít gây ô nhiễm như công nghiệp điện, điện tử công nghệ thông tin, chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm và đồ uống, dệt may, vật liệu, xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, cát… Tuy nhiên, nếu tận dụng lợi thế quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là hạt nhân của trung tâm dệt may khu vực miền Trung, cùng với vai trò chủ lực của ngành công nghiệp dệt may đối với địa phương, nơi đây tập trung thu hút các nhà đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ dệt may, chắc chắn sẽ có sự lan tỏa, tạo sự bứt phá cho tỉnh trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh TPP vừa được ký kết...
Chúng ta còn cần rất nhiều đột phá ở khác ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương mới có hy vọng tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong những năm tới. Khó khăn sẽ không phải là ít, nhưng nếu chúng ta mạnh dạn đổi mới tư duy, cách thức thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính... không để nản lòng các nhà đầu tư thì nhất định sẽ thành công.
Hoàng Giang