Đất nước 4.000 năm với bao di sản tinh thần to lớn, từ bản sắc văn hóa quý báu đến truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của nhiều thế hệ; là một khối kiến thức uyên bác trong giáo dục tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; nhất là trong xu thế hội nhập sâu rộng ngày nay.

Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng, kiến thức Lịch sử đã góp phần làm nên một Đại tướng Võ Nguyên Giáp lỗi lạc nói riêng và nghệ thuật quân sự của Việt Nam nói chung. Đó là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, với tư tưởng quân sự truyền thống “lấy yếu chống mạnh”, “lấy ít địch nhiều”; “giành thế chủ động”… của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung… và nhiều vị tướng trong quân đội khác.
Giá trị của Lịch sử tuy đã được khẳng định, song lâu nay, việc dạy và học môm Lịch sử cũng như kiến thức về lich sử trong giới trẻ quả khiến cho cho nhiều người lo lắng. Nhiều học sinh còn ngây ngô cho rằng Bà Trưng và Bà Triệu là 2 chị em; hay Quang Trung- Nguyễn Huệ là hai anh em; hoặc Quang Trung và Nguyễn Du là một(?)… Cùng với đó, phần lớn học sinh đã quay lưng với môn Sử; có năm tuyển sinh, môn Sử đã không có học sinh nào đăng ký dự thi…
Với những tồn tại này, đáng ra, ngành giáo dục phải đưa ra biện pháp để chấn hưng môn Lịch sử thì lại “khắc phục” bằng cách đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn của kỳ thi THPT và mới đây lại ban hành dự thảo tích hợp môn Lịch sử vào với một số môn khác(!)
Lịch sử là những gì thuộc về quá khứ. Nếu không có quá khứ sẽ không có hiện tại và tương lai. Trong bài “Lịch sử nước ta” viết năm 1942, Bác Hồ đã khẳng định “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Việc Quốc hội yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới và không chấp nhận tích hợp, thể hiện sự coi trọng môn Lịch sử của Nhà nước ta, phù hợp với nguyện vọng của cử tri cả nước!
Đặng Thành