Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã nhân rộng được 113 mô hình phòng chống bạo lực gia đình trên tổng số 152 xã, phường, thị trấn. Phấn đấu đến hết năm 2015 đạt chỉ tiêu mỗi huyện, thành phố có từ 35% đến 40% số xã, phường, thị trấn xây dựng và tổ chức hoạt động mô hình nhóm phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã thành lập được 287 địa chỉ tin cậy, 95 CLB Phòng chống bạo lực gia đình, thu hút trên 3.000 cặp vợ chồng tham dự. Sắp tới Hội cũng sẽ thành lập trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Đa số các vụ bạo lực được phát hiện đều được sự giúp đỡ, can thiệp kịp thời, góp ý trong cộng đồng dân cư. Trong đó, bạo lực ở nông thôn cao hơn thành thị, tập trung nhiều nhất là bạo lực về thân thể. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ ở trong độ tuổi từ 16 đến 59 tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây cũng chỉ là trên giấy tờ, con số về những vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình còn lớn hơn nhiều.

Ông Cao Chí Hải, Phó GĐ Sở VHTT&DL tỉnh cho rằng, nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình và cũng là yếu tố cơ bản nhất gây ra nạn bạo lực gia đình chính là nhận thức về vấn đề bình đẳng giới còn rất hạn chế. “Tư tưởng trọng nam, khinh nữ; tư tưởng gia trưởng,… các yếu tố khác như tệ nạn xã hội, kinh tế, mâu thuẫn gia đình, ngoại tình… được xem là nguyên nhân trực tiếp của bạo lực, làm gia tăng nguy cơ của bạo lực gia đình.”- ông Hải nhận định.

Thời gian qua, các sở ban ngành liên quan trên địa bàn tỉnh cũng đã có sự phối hợp đồng bộ các giải pháp về truyền thông, xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức triển khai và nâng cao chất lượng các giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và các giải pháp nhằm nâng cao năng lực trong việc quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.

Với những biện pháp và sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành, tình hình bạo lực gia đình trên địa bàn mặc dù vẫn có xu hướng tăng nhưng nhìn chung, các nạn nhân đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. So với những năm trước, đến cuối năm 2014, toàn tỉnh đã có 209 nạn nhân bị bạo lực gia đình được tư vấn, tăng 129%; có 29 nạn nhân đến các cơ sở khám chữa bệnh, tăng 20,8%; có 38 nạn nhân tìm đến cơ sở hỗ trợ và 90 nạn nhân nhận được trợ giúp từ địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Như vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế đã vượt chỉ tiêu so với chỉ tiêu đặt ra là mỗi năm có thêm 10% nạn nhân được sự hỗ trợ, tư vấn từ các cơ sở trợ giúp bạo lực gia đình. Toàn tỉnh hiện có 26,3% xã, phường, thị trấn thiết lập đường dây nóng; có 247 cơ sở tư vấn đáng tin cậy, vượt chỉ tiêu 63%.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG thực hiện