Hơn một tháng trôi qua, dù bàn chân vẫn còn bó nẹp, rất khó khăn trong cử động, nhưng chị Hoa vẫn cảm thấy may mắn, vì đã thoát chết sau tai nạn bị gãy dập cổ chân bên phải. 

9h đêm 25/6, lúc vừa đi bộ về gần nhà, chị Hoa bị một thanh niên đi xe máy tông vào chân phải. Chị có cảm giác cổ chân bên phải như đang bị đứt lìa khỏi cơ thể. Máu chảy lênh láng khắp mặt đường. Chị Hoa choáng váng.Trong cơn đau đớn do vết thương, chị chợt nghĩ: Đã nhiều lần cầm súng đánh lại đế quốc Mỹ, đặc biệt trong 26 ngày đêm tham gia chiến đấu bảo vệ thành phố Huế mùa xuân năm 1968, chị đã lập thành tích xuất sắc, được Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Thừa Thiên Huế tặng bằng khen, chị vẫn không hề bị một vết xước nhỏ. Vậy mà bây giờ, không nhẽ sau tai nạn này, mình trở thành tàn phế do vết thương? Nhìn bàn chân treo lủng lẳng dưới lớp da, chị lấy hết sức nói với các con: “Con nhờ bác sĩ cứu giúp, bảo toàn bàn chân cho mẹ”, rồi ngất xỉu.
 
 
Từ đó cho đến 6 ngày sau, chị Hoa mới tỉnh dậy tại Phòng Cấp cứu- Hồi sức, Bệnh viện Trung ương Huế và qua cơn nguy kịch.
 
 
Bác sĩ phẫu thuật cho chị Hoa đêm ấy là Hồ Mẫn Trường Phú và Đinh Xuân Thành kể lại rằng: Sau khi được cấp cứu tại Khoa Cấp cứu - Khám bệnh, chị Hoa được hội chẩn phẫu thuật trong tình trạng bị tổn thương tĩnh mạch chính, mất máu nhiều, thêm bị bệnh tim rất nặng: Hẹp van 3 lá, hẹp động mạch chủ, rung nhĩ, to tim, vôi hóa van tim. Diễn biến sức khỏe rất xấu. Bác sĩ đã thông báo cho người nhà là có khả năng bệnh nhân không qua khỏi. Quyết định sự sống còn của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật là công việc gây mê của bác sĩ Trương Ngọc Phước và kỹ thuật viên Nguyễn Thanh Minh. Lúc được giao nhiệm vụ gây mê cho Trần Thị Liên Hoa, bệnh nhân bị tim nặng, sức khỏe yếu, bác sĩ Phước cùng kíp mổ rất băn khoăn. Làm sao để bệnh nhân được an toàn tính mạng trong cuộc phẫu thuật kéo dài 4 tiếng? Trước hết, phải hiểu được thuốc gây mê ảnh hưởng thế nào đối với bệnh tim? Thay đổi liều thuốc phù hợp với chức năng bệnh tim của bệnh nhân đang mổ. Áp dụng thành công những qui tắc đó, coi như việc phẫu thuật bệnh nhân đã được bảo đảm tính mạng. Gây mê thành công, kíp phẫu thuật cảm thấy vững tin hơn. Bác sĩ Phú và bác sĩ Thành nói: Vết thương của bệnh nhân không phức tạp. Hở độ 2 đầu dưới xương cẳng chân phải, nhưng trước bệnh nhân có tình trạng sức khoẻ đặc biệt như vậy, các anh đã bị áp lực. Xử lý nhanh, hạn chế mất máu cho bệnh nhân là điều quan trọng. Sau 4 tiếng, từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng, cuộc phẫu thuật thành công. Bệnh nhân được chuyển đến chăm sóc tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức. Sau 6 ngày chăm sóc đặc biệt, chị Hoa mới tỉnh lại, tiếp tục điều trị tại Khoa Nội tim mạch. Ở đây, một lần nữa chị Hoa lại nhận được sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ, điều dưỡng. “Tôi rất lo lắng cho bệnh tình của mình. Phần thì bị đau đớn do vết thương, phần do bệnh tim hành hạ. Hiểu được nỗi đau của tôi, bác sĩ Tống Phước Vinh, người trực tiếp điều trị cho tôi nói: Chị yên tâm, tôi sẽ trực tiếp cứu chữa, điều trị để chị khỏi bệnh. Nghe giọng nói ấm áp, dịu dàng đầy sẻ chia của bác sĩ Vinh, tôi yên tâm hẳn lên. Đó là động lực giúp tôi vượt qua được những đau đớn do bệnh tật”. - Chị Hoa nói. Mắt rưng rưng.
 
 
Chị Hoa đã trở về nhà sau hơn một tháng điều trị tại bệnh viện, chị vẫn nhớ mãi những tình cảm, sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế dành cho chị. “Tôi muốn nhờ Báo Thừa Thiên Huế bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình với các bác sĩ đã tận tình cứu sống tôi”. Chị Hoa nói.
 
 
Khi tôi hỏi tên các bác sĩ kíp phẫu thuật cho chị Hoa hôm ấy, nhưng chị Hoa và người nhà đều không ai biết. Tôi đến bệnh viện tìm gặp được các bác sĩ, hỏi chuyện, lúc này họ mới biết là đã điều trị cho bệnh nhân nguyên là chiến sĩ xuất sắc trong 26 ngày đêm cầm súng bảo vệ thành phố Huế xuân Mậu Thân năm 1968.
 

 Đinh Hoàng Xuân Hồng