Hằng ngày ra đường đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh điều khiển xe chạy điện không đội mũ bảo hiểm, chở hai chở ba, đi dàng hàng ngang, đùa giỡn trên đường. Những hành vi này nếu gặp tình huống khẩn cấp sẽ không xử lý kịp, gây tai nạn. Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Huế 9 tháng đầu năm nay đã có hơn 10 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện; có trường hợp đã tử vong, hoặc bị thương rất nặng.

Trên thị trường, số lượng xe 2 bánh chạy bằng điện đang ồ ạt nhập vào, với muôn vàn chủng loại. Đáng lo hơn cả là hầu hết các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật; song nó có thể chạy với tốc độ lên đến 50km/giờ, lại không có tiếng động, khiến người điều khiển phương tiện khác bị bất ngờ, khó phòng tránh, dễ xảy ra tai nạn.
Theo Luật giao thông đường bộ thì xe máy điện là loại xe cơ giới, phải đăng ký chất lượng và đăng ký cấp biển số. Thế nhưng, việc triển khai thực hiện quản lý loại phương tiện này trên cả nước nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là công tác giáo dục, tuyên truyền đối với người tham gia giao thông bằng loại phương tiện này chưa được triển khai hiệu quả. Lực lượng tuần tra kiểm soát thì khó khăn trong việc việc xử phạt, bởi phương tiện chưa được đăng ký thì tràn lan; lại chưa có quy định giới hạn về độ tuổi người điều khiển; trong lúc, hầu hết người vi phạm đều là học sinh, trách nhiệm công dân còn non nớt!
Một tồn tại lớn nữa mà theo chúng tôi vốn căn nguyên của vấn đề là công tác quản lý phương tiện. Hầu hết xe 2 bánh chạy điện đều không có nguồn gốc xuất xứ; người mua thì không quan tâm đến giấy tờ gốc, nên rất khó để làm thủ tục đăng ký. Để quản lý loại phương tiện này có hiệu quả, từng bước đưa vào nề nếp thì ngay từ bây giờ phải thanh tra, kiểm tra toàn bộ các cửa hàng, đại lý cung ứng để rà soát lại các giấy tờ gốc liên quan như nơi sản xuất, giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật. Chủ kinh doanh phải có trách nhiệm cung cấp các loại giấy tờ này cho người mua và người mua cũng phải đòi hỏi có được giấy tờ gốc để làm thủ tục đăng ký. Đối với các phương tiện đã “lỡ” không có giấy tờ gốc thì thành lập hội đồng thẩm định để công nhận, đủ điều kiện thì cho đăng ký bổ sung. Có như vậy, việc quản lý xe 2 bánh chạy bằng điện mới hiệu quả và lực lượng tuần tra kiểm soát cũng thuận tiện trong việc xử lý những trường hợp vi phạm, góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn!
Đặng Thành