Hiệu quả cao
Với tiềm năng, lợi thế đó, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, vận động ngư dân nỗ lực, huy động mọi nguồn vốn tập trung đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền, thay máy có công suất lớn ít tiêu hao nhiên liệu, giảm chi phí, tăng công suất vươn khơi đánh bắt xa bờ, hạn chế đánh bắt gần bờ. Tập trung vận động Nhân dân đầu tư các trang thiết bị hàng hải, như: máy dò cá, bộ đàm tầm xa có tích hợp máy định vị…để phát huy năng lực khai thác và thông tin liên lạc trong sản xuất trên biển và đất liền, góp phần nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy, hải sản. Đến nay, ngư dân thị trấn Thuận An đã đóng mới 3 tàu gỗ công suất từ 545 đến 685 CV. Các tàu đã đi vào hoạt động và sản xuất có hiệu quả. Tổng số phương tiện tàu thuyền khai thác biển có máy là 981 chiếc, với tổng công suất 68.775 CV. Trong đó, tàu có công suất trên 400 CV là 46 chiếc, tàu có công suất từ 90- 400 CV là 167 chiếc, tàu có công suất từ 20 đến dưới 90 CV là 228 chiếc, dưới 20 CV là 540 chiếc. Công suất trung bình của một phương tiện có máy đạt 70,11 CV.
Sẵn sàng ra khơi. Ảnh: Hoàng Triều |
Thực hiện Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, đến nay trên địa bàn huyện Phú Vang đã có 60 tàu tham gia đánh bắt vùng biển xa và được hỗ trợ trên 7.244 triệu đồng. Sản lượng khai thác biển hàng năm đạt trên 22.500 tấn. Tổng giá trị sản phẩm khai thác thủy sản đạt trên 700 tỷ đồng, bình quân lãi trên 35% giá trị, giải quyết công ăn việc làm cho 5.200 lao động trên biển, thu nhập bình quân 47 triệu đồng cho mỗi lao động trên một năm.
Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo
Song song với việc lãnh đạo, khuyến khích ngư dân tăng năng lực khai thác, các cấp ủy đảng, chính quyền ở Phú Vang luôn quan tâm công tác tuyên truyền nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển gắn với quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân trên biển và tiến hành tổ chức thành lập các đơn vị dân quân tham gia bảo vệ biển, đảo. Hiện nay, toàn huyện có 7 trung đội dân quân biển, góp phần nâng cao tính đoàn kết, cùng nhau vừa sản xuất vừa đảm bảo an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Trong quá trình phát triển toàn diện mà trọng tâm là kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng và an ninh, huyện hết sức quan tâm đầu tư cho những ngành, lĩnh vực quan trọng nhằm mục đích vừa phục vụ cho phát triển kinh tế, vừa tăng cường tiềm lực quốc phòng. Tập trung chỉ đạo các lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng, lực lượng dân quân biển đoàn kết, phối hợp với các lực lượng khác thực hiện tốt các biện pháp quản lý địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, vừa sản xuất, vừa bảo vệ ngư trường, nắm và báo cáo kịp thời các thông tin trên biển liên quan đến quốc phòng - an ninh như: buôn lậu, tranh chấp ngư trường và các tàu thuyền nước ngoài xâm nhập, khai thác nguồn thủy sản trái phép…
Tuy vậy, lĩnh vực đánh bắt thủy sản vẫn chưa đáp ứng được với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Phương tiện khai thác chủ yếu là tàu, thuyền nhỏ khai thác gần bờ nên năng suất hiệu quả vẫn còn thấp, phương tiện có công suất từ 90CV trở lên có khả năng bám biển dài ngày đánh bắt vùng xa bờ chỉ chiếm 21,7%. Trình độ ứng dụng khoa học - kỹ thuật của ngư dân vẫn còn hạn chế, phần lớn chưa mạnh dạn đầu tư nghề mới, trang thiết bị mới, chủ yếu nghề truyền thống, phương tiện thiết bị đa số đã lạc hậu; sản phẩm khai thác chủ yếu tiêu thụ nội địa, giá trị thấp hiệu quả kinh tế chưa cao. Các cơ sở chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển chưa mạnh...
Tăng cường các giải pháp
Để hỗ trợ, khuyến khích ngư dân tăng năng lực khai thác, ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại trong phát triển kinh tế biển, đầm phá gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; kiểm soát được hoạt động tàu cá trên biển, tăng cường khai thác trên cơ sở sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực, các hoạt động hỗ trợ phục vụ cho khai thác hải sản để phát triển bền vững, gắn khai thác hải sản với bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc và hội nhập quốc tế, cần tập trung vào nhiều giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền cho Nhân dân vùng ven biển hiểu biết về Luật Biển Việt Nam và các văn bản khác của Nhà nước để nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân, hành xử đúng quy định trong quá trình tham gia xử lý các tình huống xảy ra trên biển, có chính sách hỗ trợ đảm bảo thông suốt mạng lưới thông tin liên lạc từ biển và đất liền để kịp thời phát hiện tình huống, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra trên biển. Tiếp tục vận động Nhân dân huy động mọi nguồn lực và chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 67 của Chính phủ “Về một số chính sách phát triển thủy sản” để đóng mới, cải hoán tàu, thuyền có công suất từ 400 CV trở lên và cải tiến ngư lưới cụ gắn với đầu tư trang thiết bị hàng hải hiện đại nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm khai thác. Vận động tất cả các tàu trên 90 CV tham gia đánh bắt trên vùng biển xa gắn với củng cố phát triển các nghiệp đoàn, liên đoàn, chi hội nghề cá, tổ đội sản xuất trên biển và xây dựng củng cố lực lượng dân quân trên biển, vừa sản xuất vừa sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và để được hưởng chính sách theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tổ chức sắp xếp nghề khai thác biển theo hướng chuyển đổi các phương tiện đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ, chuyển đổi một số nghề khai thác cạn kiệt (lưới kéo đáy, rê đáy), giảm số lượng đội tàu khai thác cá nổi nhỏ (lưới vây, chụp mực), phát triển đội tàu khai thác cá nổi lớn xa bờ (lưới rê, câu vàng, lưới vây cá ngừ,...). Vận động bà con ngư dân đầu tư thêm nghề mới, nhân rộng mô hình đánh bắt có hiệu quả. Ưu tiên phát triển các nghề khai thác ở vùng biển xa, nơi mà sản phẩm có giá trị xuất khẩu để tăng hiệu quả khai thác gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tiếp tục đầu tư phát triển đội tàu dịch vụ nghề cá trên biển để cung cấp nhu yếu phẩm và thu mua sản phẩm cho các tàu khai thác trên biển. Đầu tư hoàn chỉnh Cảng cá Thuận An, củng cố và phát triển cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền, sản xuất ngư lưới cụ, trang thiết bị máy móc, cung cấp xăng dầu, bảo quản chế biến. Mặt khác, cần có sự tham gia của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu dòng chảy, kè chắn nạo vét luồng sâu và ổn định ở cửa biển Thuận An đảm bảo cho phát triển tàu thuyền có công suất lớn ra, vào cửa biển thuận lợi, nhất là mùa mưa bão để tránh thiệt hại về người và tài sản của ngư dân.