Việc chuyển từ phương pháp tiếp cận nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều là bước chuyển tích cực của nước ta, bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Hiện nay, các địa phương đang triển khai việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp đa chiều. Việc rà soát, phân loại sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2015 và bắt đầu từ tháng 1/2016 các đối tượng trên sẽ được áp dụng ngay chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục... Theo ước tính của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nếu tính theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều, cả nước sẽ có khoảng 12% hộ nghèo và 6% hộ cận nghèo. Còn theo tính toán của Bộ Tài chính, ngân sách hỗ trợ đối tượng nghèo và cận nghèo khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều sẽ tăng thêm 15 nghìn tỷ đồng.

Khi tiếp cận theo hướng đa chiều này cái nghèo sẽ được nhận diện đầy đủ hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ hộ nghèo của nước ta sẽ tăng cao, tạo áp lực cho công tác giảm nghèo của quốc gia và từng bộ ngành, địa phương. Với Thừa Thiên Huế, theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và xã hội tại buổi làm việc với đoàn công tác liên ngành của Trung ương về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 ngày 30/11 vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 11,16% năm 2010 xuống còn 5,03% năm 2014 và dự kiến cuối năm 2015 chỉ còn dưới 4,7%. Nếu áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chắc chắn sẽ không còn là 1 con số. Đây là thách thức, nhưng không được vì chạy theo thành tích mà giấu số hộ nghèo, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Đồng thời, cần kiên quyết ngăn chặn hiện tượng “xin” được làm hộ nghèo để hưởng chính sách của Nhà nước.

Một vấn đề cũng cần quan tâm, nếu trước đây nước ta triển khai khá nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, thì năm 2016 chỉ còn 2 chương trình là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Vì vậy, các địa phương cần lồng ghép sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình trên vào mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo. Một trong những kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững là không trao “xâu cá” mà giúp cho người nghèo “cần câu”, dạy cách câu, cách bảo quản, chế biến và cả cách tìm nơi tiêu thụ. Điều này không chỉ góp phần hạn chế được tư tưởng ỷ lại của người nghèo, mà còn tạo động lực cho người nghèo vươn lên. Bên cạnh đó, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cái nghèo và mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, kiểu nghèo khác nhau nên việc điều tra phân loại cũng cần phải làm tỷ mỷ, khách quan và có các cách thức giúp đỡ phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Hoàng Giang