Đại biểu Nguyễn Thanh Sơn chất vấn: Đã có quy định “người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội MBH có cài quai đúng quy cách” và xử phạt đối các hành vi vi phạm qui định này. Thế nhưng, thực tế là nhiều em học sinh THCS, THPT đang sử dụng xe đạp điện làm phương tiện đi học hàng ngày nhưng không đội mũ bảo hiểm, đã thế còn chạy rất nhanh, lạng lách,…gây nguy hiểm cho bản thân các em và những người tham gia giao thông. Bên cạnh trách nhiệm của gia đình và nhà trường, xin hỏi trách nhiệm của ngành Công an như thế nào? Giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Đại tá Lê Quốc Hùng trả lời chất vấn |
Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý
Trả lời vấn đề này, Đại tá Lê Quốc Hùng, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói chung và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là hoạt động quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) do lực lượng Công an Nhân dân thực hiện với vai trò nòng cốt.
Vẫn còn tình trạng nhiều học sinh đi xe đạp điện không đội MBH |
Với vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo TTATGT, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế và các trường đại học, cao đẳng, THPT, THCS thực hiện Kế hoạch liên ngành về phối hợp quản lý, phòng ngừa học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật năm 2015; hàng quý, 6 tháng đã thông báo tình hình học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật để phối hợp quản lý; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đặc biệt đưa giảng dạy TTATGT vào tất cả các bậc học, từ mầm non đến các trường đại học…
Công an - Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổng kết 5 năm về "Tuyên truyền, giáo dục Luật giao thông đường bộ cho thanh thiếu niên vi phạm giai đoạn 2010-2015", đã tổ chức tuyên truyền giáo dục Luật giao thông đường bộ cho 2.455 thanh thiếu niên vi phạm; Đoàn Thanh niên Công an tỉnh phối hợp với Đoàn Thanh niên các huyện, thị xã trên địa bàn tổ chức 21 buổi tuyên truyền pháp luật cho hơn 4.020 thanh thiếu niên.
Đồng thời, công an các địa phương, đơn vị bố trí lực lượng thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chuyên đề xử lý học sinh, sinh viên sử dụng xe đạp điện, xe máy điện vi phạm Luật giao thông đường bộ; Công an các phường, xã, thị trấn kiểm tra tại tất cả những điểm, khu vực tập trung như trường học, các tuyến nội thị để tuyên truyền, kiểm soát, nhắc nhở và xử phạt nghiêm những trường hợp học sinh, sinh viên điều khiển xe đạp điện không đội MBH, đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định…
Kể từ ngày 10/4/2015 đến ngày 30/11/2015, Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện và xử lý hơn 300 trường hợp xe đạp điện vi phạm, phạt tiền 18,8 triệu đồng; hầu hết số xe này là của các em học sinh không đội MBH khi tham gia giao thông. Ngoài ra, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương gửi thông báo vi phạm tới các trường học nhắc nhở các em chấp hành đúng Luật giao thông đường bộ và có biện pháp giáo dục, xử lý.
Cảnh sát giao thông đã xử phạt nhiều nhưng vẫn còn tình trạng học sinh không đội MBH khi đi xe đạp điện đến trường |
Theo Đại tá Lê Quốc Hùng, từ những biện pháp triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt góp phần đưa tai nạn giao thông đường bộ giảm sâu cả 3 tiêu chí. Tình trạng học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện vi phạm Luật giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, phần lớn học sinh trên địa bàn đã chấp hành nghiêm quy định về đội MBH khi sử dụng xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông; nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của học sinh, sinh viên được nâng lên một bước rõ rệt.
Đại tá Lê Quốc Hùng thông tin, vẫn còn nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên không đội MBH hoặc đội mũ không cài quai. Nguyên nhân, ngoài ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận học sinh, sinh viên chưa nghiêm túc thì một yếu tố vô cùng quan trọng khi các em chưa thấy được sự nguy hiểm khi sử dụng xe đạp điện bởi với tốc độ 40km/h, khi xảy ra tai nạn giao thông nếu không đội MBH thì để lại những hậu quả nặng nề.
Nâng cao nhận thức cho học sinh
Theo Đại tá Lê Quốc Hùng, trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tập trung lực lượng chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, Học Viện âm nhạc, các trường đại học,Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, THPT, THCS và Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông cho học sinh, sinh viên sử dụng xe đạp điện, xe máy điện. Đề xuất các trường tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên; có chế tài xử lý cụ thể, nghiêm khắc với các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm quy định ATGT khi điều khiển xe đạp điện và xe máy điện.
Theo Đại tá Lê Quốc Hùng: Để hạn chế học sinh không đội MBH cần tăng cường tuyên truyền nhắc nhở kết hợp với xử phạt và có sự quản lý của gia đình, nhà trường |
Bên cạnh đó, phối hợp các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội tăng cường giáo dục, quản lý con em là học sinh, sinh viên trong chấp hành Luật giao thông đường bộ, trong đó lưu ý nhắc nhở con, em đội MBH khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng các phóng sự, tin, bài tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện và phản ánh tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm TTATGT khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện.
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn cách nhận biết, sử dụng các loại xe đạp điện, xe máy điện chất lượng, đảm bảo an toàn kỹ thuật; quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng xe đạp điện, xe máy điện.
Hàng quý, 6 tháng Công an các đơn vị, địa phương phải thông báo tình hình học sinh, sinh viên vi phạm đến các trường trên địa bàn mình phụ trách để phối hợp quản lý; các trường có học sinh vi phạm theo tính chất mức độ để xử lý, thông báo cho gia đình và Công an nơi học sinh, sinh viên cư trú, học tập biết để phối hợp quản lý, giáo dục.
Mở các đợt cao điểm theo chuyên đề, trong đó tập trung tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, sinh viên điều khiển xe đạp điện, xe máy điện vi phạm TTATGT; tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện vi phạm…
Kết thúc vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu thống nhất các giải pháp của Giám đốc Công an tỉnh Lê Quốc Hùng trả lời về vấn đề học sinh đi xe đạp điện không đội MBH. Ông Lê Trường Lưu cho rằng, việc giải quyết tình trạng học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện không đội MBH không chỉ việc riêng của lực lượng Công an, mà mỗi gia đình, nhà trường và xã hội cùng chung tay, để không xảy ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc do không đội MBH.
Thái Bình