Ra quân huấn luyện phương án đấu tranh trên biển cho LLDQ biển ở Phú Vang |
Gắn khai thác với bảo vệ chủ quyền biển đảo
Đến nay, LLDQ biển ở Phú Vang đã đạt tỷ lệ 5,74% so với LLDQ trên toàn huyện, được biên chế thành 7 trung đội, mỗi trung đội được chia thành 3 tiểu đội và các tổ phù hợp với quy mô phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên biển.
|
Phú Vang có chiều dài bờ biển hơn 37km, trong đó có 6 xã và 1 thị trấn ven biển. Toàn huyện hiện có 926 tàu, thuyền các loại, với số lao động trên biển gần 8.070 người. Trước yêu cầu đảm bảo giữ vững chủ quyền an ninh vùng biển đảo, Ban CHQS huyện Phú Vang đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị, ban, ngành liên quan chỉ đạo triển khai cho 7 xã, thị trấn tuyến biển tổ chức khảo sát số lượng tàu, thuyền và lao động nhằm tiến hành xây dựng, củng cố lực lượng dân quân (LLDQ) biển của địa phương.
Thượng tá Nguyễn Duy Cương, Chính trị viên Ban CHQS huyện Phú Vang cho biết: Đảng ủy, Ban CHQS huyện đã nắm bắt tình hình, chủ động tham mưu cho Huyện uỷ, UBND huyện lãnh đạo xây dựng LLDQ biển nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đơn vị phân công cán bộ về cơ sở tuyên truyền trong ngư dân xây dựng các tổ tàu thuyền liên kết trên biển. Cán bộ, chiến sĩ tích cực bám địa bàn phân tích cho ngư dân hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng tổ tàu thuyền liên kết. Các thành viên của tổ có điều kiện giúp đỡ lẫn nhau trong khai thác đánh bắt thủy hải sản, trao đổi thông tin ngư trường, kinh nghiệm làm ăn, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều ngư dân đã đã hưởng ứng tham gia vào tổ tàu thuyền liên kết. Qua đó, Ban CHQS huyện đã xây dựng, phát triển LLDQ trong các tổ tàu thuyền liên kết thành 7 trung đội dân quân biển, tham gia đấu tranh trên biển, thông tin liên lạc với các đơn vị biên phòng, các cơ quan chức năng can thiệp xử lý khi có các tình huống nảy sinh, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển đảo.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của LLDQ biển, Ban CHQS các xã, thị trấn ven biển xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị Biên phòng đứng chân trên địa bàn tổ chức huấn luyện cho LLDQ biển đảm bảo nội dung chương trình. Trong đó, tập trung bồi dưỡng những nội dung cần thiết, có liên quan đến quá trình hoạt động trên biển như Luật Biển Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ (DQTV) và các văn bản thi hành luật DQTV, nhiệm vụ của LLQD biển, cách nắm bắt và xử lý thông tin trên biển; quy định vùng biển đánh bắt thủy, hải sản chung của Việt Nam và các nước trong khu vực... Thông qua các nội dung huấn luyện, LLDQ biển đã nâng cao hiểu biết pháp luật, nắm bắt và xử lý thông tin trên biển, phối hợp cùng các lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên biển, bước đầu đạt một số kết quả nhất định. Trung tá Nguyễn Văn Hiền, Phó Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Phú Vang cho biết thêm: “Đơn vị thường xuyên tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, cơ quan liên quan tổ chức huấn luyện, huy động LLDQ, phương tiện tàu thuyền làm nhiệm vụ đấu tranh trên biển tham gia diễn tập theo đúng các phương án, nhất là đối với lực lượng, phương tiện của thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận, góp phần đảm bảo sẵn sàng xử lý hiệu quả các tình huống trên biển có thể xảy ra”.
Xây dựng lực lượng dân quân biển từng bước vững mạnh
Cùng với việc xây dựng, củng cố LLDQ biển, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở huyện Phú Vang thường xuyên quan tâm chăm lo đầu tư hỗ trợ kinh phí ngân sách cho hoạt động của LLDQ biển, 100% cán bộ LLDQ biển được nhận phụ cấp trách nhiệm hàng tháng. Ban CHQS huyện còn phối hợp với các đơn vị Biên phòng, các ban ngành, đoàn thể và địa phương trang bị một số công cụ hỗ trợ như đùi cui, phao tròn và một số áo phao cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần động viên, khích lệ LLDQ biển hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo thượng tá Nguyễn Duy Cương, việc tổ chức xây dựng LLDQ biển có sự thống nhất, đồng bộ từ trên xuống, thực hiện quản lý theo phân cấp, biên chế quân số gọn theo cấp trung đội, phù hợp với cụm tàu hoạt động trên từng tuyến, từng khu vực, phạm vị hoạt động, thuận tiện cho việc chỉ huy, quản lý và huy động khi có tình huống xảy ra. Để xây dựng LLDQ biển từng bước vững mạnh, cơ quan quân sự tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức đăng ký về nhân lực, phương tiện tàu thuyền. Qua đó, có kế hoạch tuyên truyền cho ngư dân nắm được vị trí, tầm quan trọng của biển, thấy được trách nhiệm của mỗi công dân trong việc khai thác tiềm năng của biển cũng như bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Mặt khác, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp huấn luyện LLDQ biển phù hợp cho từng xã, thị trấn sát tình hình và khu vực hoạt động của các tàu thuyền. Kết hợp giữa huấn luyện quân sự với huấn luyện quan sát phát hiện mục tiêu; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của LLDQ biển trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bài, ảnh: BÁ TRÍ