Đại biểu Quốc hội là những người do dân bầu, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, được hiến định trong Hiến pháp. Diễn đàn Quốc hội chính là nơi để các đại biểu phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội đối với các vấn đề quốc kế, dân sinh của quốc gia. Để đảm nhận được vai trò đó, trước hết các đại biểu phải có đủ trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức và thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân. Đồng thời, các đại biểu phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội về hành vi, lời nói của mình và thực hiện điều đã hứa trước cử tri. Theo dõi truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua, rất nhiều đại biểu đã làm tốt vai trò của mình, nhưng cũng có những đại biểu khiến nghị trường không hài lòng, dư luận phản ứng. Điều này một phần do năng lực, trình độ chuyên môn của đại biểu hạn chế, xa rời cuộc sống hoặc có thể vì những lý do dích dắc “tế nhị” nào đó (?).
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa VI sắp tới, trong những ngày qua, lãnh đạo tỉnh và các vị đại biểu HĐND đã có nhiều buổi tiếp xúc với cử tri ở các địa phương. Qua các buổi tiếp xúc, nhiều vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, những vấn đề bức xúc của các địa phương, người dân đã được phản ánh. Trách nhiệm của các đại biểu là chuyển tải ý chí, nguyện vọng của người dân đến HĐND tỉnh. Thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, Nhân dân có thể đánh giá được những người mà cử tri đã tin tưởng bầu ra có làm tròn trách nhiệm là đại biểu của dân hay không? Đánh giá được trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc hoàn thành nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó. Qua đó, tạo niềm tin cho cử tri, góp phần nâng cao uy tín của HĐND và các vị đại biểu dân cử.