Bỏ phiếu tín nhiệm khác với bỏ phiếu bầu cử. Đối với bầu cử thì ai được nhiều phiếu cao hơn sẽ trúng cử, hay nói nôm na là người trúng cử và người không trúng khác nhau về số phiếu cao hơn hay thấp hơn (cũng có nghĩa người phiếu thấp phiếu sẽ bị loại). Còn bỏ phiếu tín nhiệm thì ngay cụm từ này cũng đã chỉ ra ý nghĩa mang tính chất để đánh giá đối với một con người nào đó. Người có phiếu tín nhiệm cao hơn được đánh giá tín nhiệm hơn, còn người kia tín nhiệm không cao nhưng chưa phải là mất hết. Điều đáng bàn ở đây là tính khách quan trong đánh giá tín nhiệm tại các cuộc bỏ phiếu đang được thực hiện trong hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay. Một thực tế đó là, người có uy tín, có năng lực và phẩm chất tốt chưa chắc đã đạt được số phiếu tín nhiệm cần thiết, ngược lại người chưa xứng đáng nhưng lại đạt được phiếu cao hơn. Ở đây không nói về đánh giá chủ quan với từng trường hợp cụ thể mà chỉ đề cập đến tác động từ khách quan đối với bỏ phiếu tín nhiệm. Xin được nêu một số hiện tượng cần suy nghĩ...

Thứ nhất, do đặc điểm của người phương Đông chúng ta còn mang nặng tính tình cảm, nên khi bỏ phiếu còn cả nể, thương người…; ai gần gũi, dễ thương, hiền lành, dĩ hòa vi quí … được “ưu tiên” bỏ phiếu nhiều hơn người khác.

Thứ hai, tính ghen ghét, đố kỵ nhau trong một cơ quan khi cấp trên muốn đề bạt cán bộ bắt buộc phải lấy phiếu tín nhiệm. Vậy là dù cho ai đó tốt, có năng lực nhưng không được bỏ phiếu vì một số không muốn bầu cho họ làm cấp trên của mình.

Thứ ba, tính cục bộ địa phương nên thường là ưu tiên cho đồng hương, người cùng làng, cùng xã. Bình thường thì quan hệ không thân, nhưng lúc này bản tính cục bộ nổi lên, thế là đánh dấu “sao” cho đồng hương của mình. Với suy nghĩ dù sao thì cũng là người mà khi cần thiết thì còn nhờ vả được.

Thứ tư, vì lợi ích cục bộ của từng nhóm trong cùng một cơ quan, một bộ phận nên thường là bỏ phiếu cho người của nhóm mình, mặc dù người khác có năng lực hơn. Đây cũng là biểu hiện của lợi ích nhóm, có thể là lợi ích về kinh tế hoặc mưu cầu về quyền lực chính trị sau này.

Thứ năm, những người thẳng thắn, có trách nhiệm thường hay góp ý hoặc phê bình một cách trung thực trong cơ quan nên hay bị mất phiếu trong những trường hợp này. Đây là biểu hiện bộc lộ ghen ghét, trả thù một cách âm thầm. Nói nôm na là “bằng mặt mà không bằng lòng”.

Và cuối cùng, đó là ý chí hay nói cách khác là tác động của cấp trên. Nếu như lấy phiếu để đánh giá chung chung thì không có vấn đề gì đáng bàn, nhưng khi lấy phiếu để đề bạt, bổ nhiệm thì người được cấp trên chỉ đạo, gợi ý… thường được ưu thế hơn, được nhiều phiếu hơn. Đây cũng là vì cả nể, vì cấp trên đã duyệt rồi.

Những nội dung trên có thể chưa nêu hết những vấn đề bất cập trong công tác bỏ phiếu tín nhiệm của chúng ta hiện nay. Xin được đóng góp một tiếng nói để lãnh đạo các cấp có thêm tư liệu nhằm hoàn thiện hơn nữa công tác tổ chức trong Đảng.

NGUYỄN TÙNG AN