Một khoảnh đất rừng bị lấn chiếm đã được trồng keo ở Hương Phú

Có giảm nhưng vẫn… nhức nhối

Có mặt tại khu vực giáp ranh thuộc thôn Phú Mậu, xã Hương Phú, chúng tôi chứng kiến cả một khoảng đất rộng hàng chục ngàn mét vuông đã được phát quang chuẩn bị cho việc trồng keo. Một người dân cho biết, lợi dụng đường sá hiểm trở, vắng bóng kiểm lâm nên diện tích đất trên đã bị kẻ xấu vào phát quang nhằm chiếm đất trồng rừng. Trước đây phát thủ công rất chậm, nhưng nay có máy phát nên lâm tặc phát rất nhanh. Người này còn cho biết, hiện đất trồng rừng được bán 60-80 triệu đồng/ha nên người dân sẽ bất chấp để lấn chiếm. Tại các khu rừng thuộc xã Thượng Nhật, Thượng Quảng, Thượng Long, Hương Hữu… cũng xảy ra tình trạng lâm tặc phá rừng lấy gỗ, còn người dân phá rừng chiếm đất lâm nghiệp trồng cây keo. Theo người dân cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, khi cây keo lai làm thay đổi kinh tế hộ gia đình, người dân không ngần ngại phá rừng trồng cây keo. Bên cạnh đó, các đối tượng lâm tặc hoành hành cũng góp phần xóa đi những cánh rừng nguyên sinh. Thậm chí, ngay cả những cánh rừng phòng hộ cũng bị triệt hạ.
Ông Nguyễn Viết Trai, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Đông cho biết, so với những năm trước, năm nay việc người dân lấn chiếm đất rừng có giảm những vẫn còn nhức nhối. Cụ thể, năm 2013 người dân lấn chiếm khoảng 36ha, đến năm 2014 giảm xuống còn 8ha và trong năm 2015 còn 7ha. Diện tích bị người dân lấn chiếm nhiều nhất vẫn ở xã Hương Phú. Đáng chú ý, tháng 5/2015, lợi dụng ngày nghỉ, một nhóm người đã kéo vào Tiểu khu 369 thuộc thôn Phú Mậu, xã Hương Phú phát quang một diện tích lớn 5,3ha. Sau khi phát hiện, lực lượng kiểm lâm đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng khởi tố vụ án hình sự hủy hoại rừng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm ra được kẻ phá hoại nói trên. 
Cần những giải pháp đồng bộ
Ngoài vụ việc kể trên, trước đây ngành chức năng cũng bắt quả tang, xác định được người phá rừng và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Ngoài việc xử phạt hành chính, những vụ có diện tích rừng bị phá lớn đều được khởi tố (phá trên 0,5ha rừng tự nhiên sẽ bị khởi tố - PV), xét xử công khai nhưng khung hình phạt thấp, hoặc chỉ chịu mức án treo nên không đủ sức răn đe. Một thực tế đang tồn tại ở Nam Đông là do hiện tượng mua bán đất đai trao tay nên trên địa bàn còn hơn 1.000 ha đất không xác định được chủ, gây khó khăn trong việc quản lý quỹ đất. Để ngăn chặn tình trạng phá rừng trồng keo, Kiểm lâm huyện Nam Đông đã cắt cử kiểm lâm viên về tận địa bàn. Riêng địa bàn “nóng” như Hương Phú cử 2 kiểm lâm viên về phối hợp với công an xã, dân phòng tăng cường tuần tra, phát hiện xử lý kịp thời; đồng thời, về cộng đồng dân cư tuyên truyền cho người dân được rõ và gắn trách nhiệm cụ thể cho những kiểm lâm viên, với địa bàn phụ trách nếu để xảy ra phá rừng.
Ông Nguyễn Viết Trai đề xuất, UBND huyện cần chủ trì thành lập đoàn kiểm tra lại toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn, trong đó có nhiều diện tích rừng không rõ chủ. Tiếp tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân để quản lý tốt quỹ đất, nhằm giải quyết căn nguyên tình trạng lấn chiếm đất rừng. Bên cạnh đó, ngành chức năng tiếp tục chỉ đạo, thu hồi những diện tích đất rừng các lâm trường đang quản lý không hiệu quả, gần với khu dân cư, thuận lợi cho sản xuất, giao lại cho các hộ và cộng đồng quản lý, sử dụng; giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp giữa người dân với Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn. Những diện tích rừng bàn giao lại cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng hoặc các công ty sử dụng cũng nên có cơ chế giám sát, theo dõi để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc giao đất, giao rừng.  
Bài, ảnh: THÁI BÌNH