Giá mủ cao su xuống thấp khiến người dân buồn lòng

Nhớ thời hoàng kim

“Trong Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của huyện thì không có kế hoạch mở rộng diện tích cây cao su. Đối với những cây già cỗi, không thể khai thác nữa sẽ tiến hành trồng các loại cây mới. Hiện nay, dù giá mủ có thấp nhưng cao su vẫn là loại cây duy trì nguồn thu nhập cho bà con”, ông Son cho biết thêm.
Từ khi cây cao su có mặt ở tỉnh ta thì cũng là lúc loại cây này trở thành cây trồng chủ lực ở đất Nam Đông, giúp nhiều hộ gia đình, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Thời kỳ hoàng kim của loại cây được xem là “vàng trắng” này là năm 2012. Khi đó, giá mủ có thời điểm lên đến 40 nghìn đồng/kg. Như cách nói vui của ông Hồ Sĩ Đét, Bí thư Đảng ủy xã Hương Sơn: “Hồi trước, ai trồng cao su suốt ngày đi chơi, chiều cạo mủ cũng kiếm được cả triệu bạc”.
Bởi lợi nhuận cao nên dù trải qua nhiều biến cố của thời tiết, đặc biệt là những cơn bão khiến cây ngã đổ hàng loạt, nhưng chính quyền lẫn người dân Nam Đông vẫn tìm mọi cách để phục hồi cây cao su. Ông Hồ Văn Bích, xã Hương Sơn chia sẻ: “Gia đình tui làm giàu nhờ trồng 6ha cây cao su. Cứ sau mỗi trận bão thì đều có một số diện tích cây gãy đổ và tui nhanh chóng trồng thay thế. Với diện tích như hiện nay, trước đây có thời điểm mỗi ngày gia đình tui thu về vài triệu bạc nhưng bây giờ chỉ vài trăm nghìn mà thôi”. 
Duy trì thu nhập
Tuy không phải là địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất huyện, nhưng Hương Sơn là xã được chọn làm thí điểm trồng cao su đầu tiên ở huyện Nam Đông. Ông Hồ Sĩ Đét chia sẻ: “Trước đây đời sống của bà con khó khăn nhưng kể từ khi chính quyền khuyến khích bà con trồng cao su thì đời sống được ổn định hơn. Hiện nay diện tích cao su trên địa bàn xã gần 400 ha. Đầu năm nay, vì mủ cao su trượt giá nên có một số bà con chặt cao su trồng keo khiến diện tích cao su mất đi 2 ha. Nhưng sau khi được chúng tôi cử cán bộ đến tận nhà tuyên truyền, vận động thì diện tích cao su ở địa phương được phục hồi”.
Nếu như năm 2012, toàn huyện Nam Đông có khoảng 1.800 ha cho khai thác mủ, ước sản lượng khoảng 5.800 tấn, doanh thu trên 52 tỷ đồng thì đến năm 2015 diện tích ổn định 3.538 ha, bình quân mỗi hộ nông nghiệp có 1ha, trong đó diện tích đưa vào khai thác 2.500 ha, giá trị thu nhập bình quân 38 triệu đồng/năm/ha.
Xác định cao su là loại cây trồng mang lại hiệu quả nên để giữ ổn định diện tích, chính quyền huyện Nam Đông đã vận động người dân duy trì vườn cây. Ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Nam Đông cho biết: “Hiện nay, giá mủ cao su không bằng những năm trước nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến thu nhập của người dân. Tuy nhiên với giá mủ như hiện nay thì cao su vẫn mang lại thu nhập ổn định cho bà bà con. Ngoài hỗ trợ cho bà con về kỹ thuật khai thác mủ, chúng tôi còn vận động các doanh nghiệp thu mua mủ cao su. Vì vậy, cao su không bí thị trường đầu ra”.
Bài, ảnh: LÊ THỌ