Hiện trường vụ lở đất gần khu mỏ ngọc bích ở Myanmar. Ảnh: Reuters

Các nhân viên cứu hộ đã thu hồi được 104 thi thể khi việc tìm kiếm ngừng lại vào đêm qua (22/11), tờ báo nhà nước Global New Light của Myanmar sáng nay cho biết.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ sạt lở vào sáng 21/11 vừa qua ở Hpakant, một khu vực miền núi ở phía bắc bang Kachin – khu vực nổi tiếng là nơi sản xuất ra những viên ngọc bích chất lượng cao nhất thế giới.
 
Các mỏ đá và bãi đất ở đây rất nguy hiểm, và trường hợp các công nhân tử vong trong khi đào bới các đống xỉ để tìm ngọc bích không phải là hiếm.
 
Theo các quan chức trong khu vực, ước tính có khoảng hơn 100 người vẫn còn mất tích, và số người chết dự kiến ​​sẽ tăng lên khi việc tìm kiếm lại được tiếp tục vào hôm nay, người đứng đầu cơ quan cứu hộ cứu hạn Myanmar Tin Myint Swe cảnh báo.
 
"Chúng tôi không biết chính xác có bao nhiêu người đã bị chôn vùi trong vụ lở đất vì chúng tôi không có bất kỳ dữ liệu nào về những người sống ở đó", ông Myint Swe nói với Reuters vào ngày hôm qua. "Đó chỉ là một khu ổ chuột với những công nhân sống trong các lều trại tạm bợ".
 
Các công nhân, nhiều người trong số đó di cư từ những nơi khác ở Myanmar, phải làm việc cực nhọc nhiều giờ trong điều kiện nguy hiểm với mức lương thấp để tìm kiếm những viên đá quý.
 
Ko Sai, một thợ mỏ sống trong một khu trại gần đó cho biết, vụ lở đất xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng, khi nhiều thợ mỏ đang ngủ say. "Chúng tôi chỉ nghe thấy một tiếng động lớn như tiếng sấm rồi thấy ngọn núi đổ sập, đống đất đá ào xuống", ông Ko Sai kể lại. "Mọi chuyện giống như một cơn ác mộng".
 
Theo ông Swe Myint, một số công ty đã đổ chất thải khai thác mỏ ra khu vực rộng khoảng 200 mẫu Anh. Bãi chất thải này nằm gần một mỏ của Công ty Khai thác Ngọc Triple One.
 
Phần lớn ngọc bích khai thác ở Hpakant được cho là đang được buôn lậu sang nước láng giềng Trung Quốc, nơi chúng được bán với giá cao. Theo các nhà nghiên cứu thuộc nhóm vì môi trường Global Witness, giá trị ngọc Myanmar sản xuất được ước tính lên đến khoảng 31 tỷ USD trong năm 2014. Phần lớn chúng được chuyển sang Trung Quốc nhưng số liệu thương mại Trung Quốc chỉ ghi nhận doanh thu tại thị trường này là 12,3 tỷ USD.
Tố Quyên (lược dịch từ Reuters & CNA)