Thế nhưng xem ra thực tế không hoàn toàn như vậy. Tình trạng không tự giác về nghĩa vụ thuế, không thu đúng thu đủ về thuế vẫn còn nhiều.

Báo cáo của Thanh tra tỉnh công bố, thanh tra 20 doanh nghiệp ở các lĩnh vực để thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về thuế trong 3 năm từ 2012 -2014 mà bài báo ở trên đề cập nói lên điều gì?
Những sai phạm về thuế vẫn còn phổ biến; tình trạng thất thu thuế vẫn không nhỏ. Doanh nghiệp có doanh thu càng lớn thì mức sai phạm về thực hiện nghĩa vụ thuế càng nhiều.
Khó mà kêu gọi một sự tự giác về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp nếu không tăng cường kiểm tra kiểm soát…
Ở bất cứ nước nào họ cũng đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Vì hoạt động của doanh nghiệp chính là xương sống của nền kinh tế. Doanh nhân rất được trọng vọng vì nhiều lẽ, trong đó có sự trung thực. Còn ở ta ? Nhìn vào nguyên nhân sai phạm của của 4 doanh nghiệp tiền tỷ̉ nêu trên, có đơn vị thì không hạch toán doanh thu bán hàng, đơn vị thì khấu trừ đầu vào giá trị gia tăng vượt trội quá cao… Có doanh nghiệp thì trích khấu hao xe taxi đã ngừng hoạt động.
Nhưng nói qua rồi nói lại. Doanh nghiệp không tự giác trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế thì đã rõ, nhưng ngay bản thân ngành thuế đã tự giác thực hiện tốt công việc của mình ? Chưa chắc đã làm tốt. Ví dụ điều này, đó là cải cách trong thực hiện công tác thuế. Khi Chính phủ đòi hỏi cải cách hành chính về thuế, tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp và rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, ngành thuế đã rút ngắn được ngay tức khắc 200 giờ/ năm. Nghĩa là trước đó, ngành thuế cũng không tự giác.
Nghe nhiều người có dịp đi đây đi đó về kể, ở nhiều nước Bắc Âu, các sản phẩm của nông trại làm được họ đóng vào bao bì đưa ra một cửa hàng được dựng bên đường. Không cần người trông coi. Khách hàng muốn mua cứ thế lấy, rồi tự giác trả tiền theo giá niêm yết. Nghe những chuyện như thế, chắc nhiều người nghĩ là “chuyện trên trời”.
Tôi chỉ nghe chứ chưa có dịp chứng kiến chuyện như vậy. Nhưng sự tự giác của người dân các nước phát triển, văn minh thì không còn xa lạ. Ví dụ họ rất tự giác xếp hàng. Họ tuân thủ nghiêm những quy định về trật tự về văn minh đô thị… Khi biết những chuyện này thì chắc câu chuyện của các nước Bắc Âu, một nơi có mức sống rất cao, đời sống văn mình; một nơi có mạng lưới an sinh xã hội phủ rộng, chắc chuyện tự giác đã ăn vào máu thịt của người dân thì chuyện như vừa kể không còn là chuyện “trên trời”.
Không thể nói rằng, không có những điều kiện này sẽ không có tự giác, cha ông ta trước đây giàu có gì đâu nhưng vẫn nói “đói cho sạch, rách cho thơm” kia mà. Nhưng để có độ đồng đều về tự giác chắc phải cần xã hội phát triển, văn minh, phải cần một quá trình rèn luyện lâu dài để từ ý thức của từng cá nhân đơn lẻ chuyển thành ý thức xã hội. Soi vào xã hội mình, xem ra việc tự giác còn lâu lắm.
Lê Phương