Trôm Nam bộ là một loài cây gỗ thường xanh, có ngoại hình mộc mạc, không khoe sắc lộ liễu như ngô đồng, thường chỉ được trồng trong công viên, trước đền đài, miếu mạo, đôi khi ở khuôn viên công sở… với số lượng cá thể ít nên ít được mọi người quan tâm.

Được cho là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố tự nhiên rải rác từ Đà Nẵng trở vào và đặc biệt được gặp nhiều ở các rừng thứ sinh ẩm vùng Nam bộ, từ Đồng Nai trở vào, nên tên gọi “Trôm Nam bộ” được chấp nhận như một sự đánh dấu khoa học.

Trôm Nam bộ có thân hình trụ thẳng, gốc có múi và bạnh vè, khi mọc tự nhiên trong rừng thường cao khoảng 20 m, đường kính thân 30-45 cm, khi được trồng trong công viên thường thấp bé hơn. Lá Trôm Nam bộ dạng đơn, mọc cách, chụm ở đầu cành, hình bầu dục hoặc thuôn dài, có cuống phình 2 đầu và có lá kèm hình sợi màu nâu. Cụm hoa hình chum mọc ở nách lá gần đầu cành, mang rất nhiều hoa phủ lông mềm; hoa đực nhỏ, có cánh tràng màu hồng, bên ngoài có phủ lông mịn. Quả gồm 4-6 quả đại xếp thành hình sao trên một cuống mọc thõng, bên ngoài phủ lông tơ ngắn, mịn, dày đặc, màu xanh khi quả non, màu vàng khi quả trưởng thành rồi đỏ rực khi quả chín, cuối cùng vỏ quả mở theo một đường dọc để lộ những hạt đen bóng trông rất lạ mắt.

 

leftcenterrightdel
 Cây Trôm Nam bộ ở công viên Phú Xuân trĩu quả

Có lẽ do cây có tán dày trông khá nặng nề khiến các nhà quản lý cây xanh sợ che chắn tầm nhìn nên ít đưa trồng trên vỉa hè đường phố. Theo tôi, Trôm Nam bộ có hình thái đặc trưng và nhiều đặc điểm sinh học là thích ẩm, thường sống tự nhiên ven khe suối, thung lũng bên chân núi, lại có khả năng mọc nhanh, tái sinh tự nhiên và nhân tạo từ hạt tốt… nên có thể vận dụng làm đai xanh phòng hộ ven sông, lòng hồ thủy điện, và vẫn có thể chọn loại vỉa hè thích hợp để bố trí trồng một cách hợp lý nhằm tạo bóng cho người tham gia giao thông. Hơn thế nữa, cũng cần nghiên cứu trồng làm đai xanh quanh các khu công nghiệp, đặc biệt là các nhà máy thường xuyên thải bụi và khí độc vào không khí gây ô nhiễm môi trường. Được như thế vừa phát huy tác dụng phòng hộ, vừa góp phần bảo tồn một nguồn gen đặc hữu và tất nhiên không loại trừ tạo cảnh quan đẹp.

Trôm Nam bộ cho gỗ màu trắng, nhẹ, dễ gia công thường được dùng đóng đồ gia dụng, đóng bao bì vận chuyển vật liệu, đóng thuyền nhỏ. Như thế, trong tình hình cả nước đang quan tâm chương trình trồng rừng bền vững, đa dạng hóa cây trồng để tạo ra nhiều diện tích rừng hỗn giao nhiều tầng tán nhằm vừa phát huy vai trò phòng hộ tổng hợp trong thời kỳ biến đổi khí hậu toàn cầu, vừa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo kinh tế (tạo gỗ nguyên liệu kể cả nguyên liệu giấy) cho người trồng rừng, tôi nghĩ rằng Trôm Nam bộ là một nguồn gen cần được nghiên cứu xếp vào danh mục cây trồng rừng kinh tế hiện nay.

Ở Huế, độc giả có thể tiếp cận một số cây Trôm Nam bộ ở trong các công viên Nguyễn Văn Trỗi, Phú Xuân A, Phú Xuân B…

Đỗ Xuân Cẩm