Các nạn nhân sống sót đang thu dọn các đống đổ nát sau trận động đất. Ảnh: Reuters

Các nạn nhân đầy tuyệt vọng kêu gọi được hỗ trợ chăn màn, quần áo ấm và thức ăn sau khi trận động đất 7,5 độ richter hôm 26/10 tràn qua khu vực này, giết chết hơn 380 người, san bằng hàng ngàn ngôi nhà và buộc nhiều gia đình phải cắm trại ngoài trời để tạm trú.

Địa hình gồ ghề, đường dây thông tin liên lạc bị cắt đứt và tình hình an ninh không ổn định đã cản trở các nỗ lực cứu trợ kể từ khi thảm họa xảy ra, và các quan chức địa phương cho biết họ chỉ mới cung cấp được rất ít sự hỗ trợ cho người dân khi chỉ mới 3 tháng trước đây, khu vực này vừa bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng.

"Chúng tôi thường có kho dự trữ riêng, nhưng chúng tôi đã sử dụng chúng sau các trận lũ vừa qua, vì vậy trong trận động đất lần này, chúng tôi hết sạch nguồn dự trữ", Muhammad Bahadur - một quan chức ở làng Darosh tại Chitral, một phần của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan cho biết.

Vùng Tây Bắc – khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất hôm thứ hai, cũng phải chứng kiến cảnh hàng ngàn người kéo đi di tản khi nước lũ cuốn trôi hàng chục tuyến đường và các cây cầu trên địa bàn huyện hồi tháng 7/2015.

Ngôi làng của ông Bahadur giờ chỉ có 70 chiếc lều sau khi động đất xảy ra, "khoảng 2.500 ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn... Hãy tưởng tượng chúng tôi phải làm thế nào để có thể đáp ứng nhu cầu của mói người chỉ với 70 chiếc lều?"

Ông Bahadur cũng cho biết, hiện có hàng trăm trẻ em đang phải ngủ ngoài trời với rất ít phương tiện bảo vệ chống lại cái lạnh dưới 0 độ C vào ban đêm. "Chúng tôi đang cố gắng huy động các tổ chức phi chính phủ (NGOs) giúp đỡ người dân, nhất là bọn trẻ vì mùa đông đang đến gần, và bọn trẻ sẽ không thể chịu nổi."

Trẻ em sẽ không thể sống nổi

Số nạn nhân tử vong của Pakistan cho đến nay dừng ở mức 267 người, hơn 1.800 người bị thương cùng 11.000 ngôi nhà bị hư hỏng, và các nhà chức trách cảnh báo con số này có thể sẽ tăng đột biến khi nhiều khu vực bị cô lập vẫn chưa được tiếp cận và thống kê.

Theo các cơ quan cứu trợ, chỗ ở và điều kiện vệ sinh sẽ là nhu cầu cấp bách nhất đối với những nạn nhân sống sót trong những ngày tới, phía Liên Hợp Quốc cũng nói rằng, trẻ em đang phải đối mặt với những điều kiện nguy hiểm chết người.

Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Pakistan ngày hôm qua cho biết, tuyết đã rơi ở một số khu vực trong vùng, buộc họ phải chờ đợi thời tiết quang đãng hơn trước khi có thể tiếp cận được với những cộng đồng cần cứu trợ này.

"Mùa đông đang đến và sẽ sớm có tuyết ở khắp mọi nơi, và bọn trẻ sẽ không thể sống nổi với cái lạnh đó," Shahroon - một cư dân của làng Usiak tại Chitral, nói với AFP, và cho biết thêm rằng những đứa trẻ trong gia đình ông đang phải ngủ trời, "nếu chúng tôi ở lại đây, những đứa trẻ sẽ chết... chúng tôi đã mất tất cả mọi thứ có được và sẽ không thể chịu đựng nổi nếu phải chứng kiến bọn trẻ chết trước mặt chúng tôi, chúng là điều quý giá duy nhất mà chúng tôi có hiện giờ".

Các tổ chức từ thiện của phương Tây cho biết, sự hiện diện của Taliban ở Afghanistan đang cản trở các nỗ lực cứu trợ. Các chiến binh ngày hôm qua tuyên bố đã chiếm được một huyện xa xôi của Darqad ở tỉnh Takhar bị động đất tàn phá, khiến các nhân viên cứu trợ phải đổi mặt với tình hình an ninh vô cùng mong manh.

“Chúng tôi sẽ không chờ đợi”

Các quan chức Afghanistan cho biết, 115 người được xác nhận đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, hơn 7.600 ngôi nhà bị hư hỏng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước sau trận động đất. Những người sống sót đầy tuyệt vọng đã rời khỏi Badakhshan, nơi có tâm chấn của trận động đất và nhiều khu vực bị quân Taliban kiểm soát.

Các cơ quan cứu trợ nhấn mạnh sự cần thiết phải sẵn sàng để đối phó với các thiên tai lớn hơn ở đất nước bị chiến tranh tàn phá Afghanistan - nhưng đó chỉ là một ưu tiên thứ yếu trong một quốc gia phải đấu tranh để kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài suốt 14 năm qua trước lực lượng nổi dậy Taliban.

Quân đội đang dẫn đầu các nỗ lực cứu hộ của Pakistan, nhưng cư dân ở Chitral cho rằng, với mùa đông đang đến gần, họ sẽ không thể chịu đựng nổi nếu lãng phí thời gian.

"Chúng tôi sẽ không ngồi chờ cơ quan chức năng tới," tài xế 29 tuổi Lal Jan chia sẻ, "người dân ở đây đang giúp đỡ nhau... những người vẫn còn nhà sau trận động đất cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho những người bị ảnh hưởng. Tất cả chúng tôi đều đang giúp đỡ lẫn nhau để thu dọn đống đổ nát từ những ngôi nhà bị sập đổ".

Những người sống sót khác lên kế hoạch sẽ rời đi nếu không sớm nhận được sự giúp đỡ. Một nạn nhân tại Chitral cho biết, họ sẽ ở lại nếu chính phủ có thể giúp xây dựng lại nhà cửa trước khi tuyết rơi, nhưng "nếu không, chúng tôi sẽ đi đến Rawalpindi hoặc Peshawar hoặc bất kỳ thành phố nào khác và trang trải cuộc sống bằng cách ăn xin trên đường phố".

Tố Quyên (lược dịch từ AFP & CNA)