Trước đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế công bố báo cáo đề cập đến 2 sự việc cụ thể hồi tháng 5 và tháng 7 vừa qua, cho rằng các quan chức Úc đã bí mật trả tiền cho thủy thủ đoàn của những chiếc thuyền chở người di cư để họ đưa thuyền rời khỏi hải phận nước Úc. Tổ chức nhân quyền này khẳng định, chính quyền Úc đã chi 30.000 USD cho những kẻ cẩm đầu để họ chịu quay lại. Các thuyền nhân từ Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka cuối cùng được đưa đến đảo Rote ở miền đông Indonesia.

Các thuyền nhân lênh đênh trên biển tìm đường tới Úc. Ảnh: Getty Image.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng việc làm của Chính phủ Úc là hành động vi phạm luật pháp vì tiếp tay cho bọn buôn người xuyên quốc gia, bất kể những nguy hiểm mà thuyền nhân phải đương đầu, đồng thời tổ chức này cũng yêu cầu phải mở một cuộc điều tra nghiêm túc.

Bộ trưởng Bộ Di trú Úc Peter Dutton mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc trên, nói rằng những điều mà Tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra hoàn toàn không đúng với sự thật, chỉ là những lời “vu khống” làm ảnh hưởng đến danh dự của các quan chức đang làm việc ở Bộ Di trú cũng như của những binh sĩ đang bảo vệ an ninh lãnh hải Úc.

Trả lời phỏng vấn trên một đài phát thanh ở Canberra, Bộ trưởng Dutton nói rằng, mọi người nên tin vào chính phủ, vào lực lượng tuần duyên... chứ không nên vội tin vào lời của những kẻ buôn người.

Úc có chính sách nhập cư hết sức khắc nghiệt từ khi tung ra chiến dịch “Biên giới chủ quyền” năm 2013 để làm nản lòng các thuyền nhân vượt biển đến Úc. Hải quân thường chặn các tàu vượt biên, đưa về các điểm trung chuyển, thường là Indonesia, còn các thuyền nhân đến được bờ biển nước Úc sẽ bị bắt giữ trong các trại tạm cư trên đảo Manus, tại Papouasie-Nouvelle Guinée, hay đảo Nauru ở Thái Bình Dương.

Tố Quyên (lược dịch từ ACB)