Các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Regnum Carya Resort, Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters |
3G gồm 28 nước phát triển và đang phát triển không phải là thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Nhóm 3G được thành lập nhằm đối trọng với G20 để phòng ngừa khả năng nhóm này lấn sân Liên Hợp Quốc trong các vấn đề chính trị và kinh tế thế giới. Thành viên 3G cũng bao gồm các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Brunei, Việt Nam, Malaysia.
Tuyên bố đầy đủ như sau:
“Nhóm Quản trị toàn cầu (3G) lưu ý các kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) từ ngày 15-16/11/2015. 3G nhận ra rằng, các hành động của G20 tiếp tục quyết định một phần tương lai của các nước cũng như khu vực và các tổ chức quốc tế. Đó là những hoạt động cần thiết để giúp đảm bảo sự ổn định liên tục của hệ thống kinh tế quốc tế, bao gồm các thị trường tài chính, và để đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, đồng thời tạo ra công ăn việc làm tốt hơn và thúc đẩy sự tham gia của lực lượng lao động.
Chúng tôi hoan nghênh các bước đi mà G20 hướng tới, với sự toàn diện và minh bạch hơn, đồng thời tuyên dương các nỗ lực tiếp cận do Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện trong năm 2015 với vai trò là Chủ tịch Hội nghị G20. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được các cam kết của G20 trong năm 2016, khi Trung Quốc giữ chức Chủ tịch để đi xa hơn trong các cuộc tham vấn với những thành viên không thuộc G20, bao gồm cả 3G và các tổ chức khu vực liên quan.
Điều này sẽ góp phần tăng cường sự bổ sung giữa G20, các tổ chức đa phương và các bên liên quan chủ chốt khác, trong khi tái khẳng định vai trò của các tổ chức quốc tế với các thành viên trong việc thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu.
3G hỗ trợ sự cam kết của G20 để thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô và áp dụng các chính sách tài khóa linh hoạt để thực hiện các điều kiện kinh tế ngắn hạn. Chúng tôi cũng được khuyến khích bởi quyết tâm của G20 trong việc thực hiện các hành động theo cách thức giảm thiểu sự không chắc chắn, tác động lan tỏa tiêu cực và thúc đẩy tính minh bạch.
Chúng tôi hoan nghênh Thông cáo chung của G20 về cam kết đạt được tham vọng G20 nâng GDP toàn khối lên thêm 2% vào năm 2018, như đã thông báo ở Brisbane năm ngoái. Chúng tôi lưu ý các phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) về việc thực thi cam kết của G20, hy vọng rằng các chiến lược tăng trưởng và tiến độ thực hiện đối với các cam kết quan trọng đã được điều chỉnh như đã nêu trong Kế hoạch hành động Antalya.
Thất nghiệp toàn cầu tiếp tục tăng, trong khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và tăng năng suất toàn cầu vẫn còn tương đối thấp. 3G hoan nghênh sự cam kết của G20 trong nỗ lực tạo ra công ăn việc làm có chất lượng, đầu tư vào kỹ năng và giảm bất bình đẳng để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và mạnh mẽ. Chúng tôi hoan nghênh các mục tiêu G20 về việc giảm tỷ lệ người trẻ, những người có nhiều nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong thị trường lao động ở mức15% vào năm 2025 tại các nước G20.
Chúng tôi cũng hoan nghênh chính sách Thúc đẩy chất lượng việc làm cũng như hành động để cải thiện và đầu tư vào các kỹ năng thông qua Chiến lược Kỹ năng G20. Chúng tôi tiếp tục đánh giá cao những nỗ lực của G20 trong việc giải quyết sự thiếu hụt đầu tư hạ tầng toàn cầu.
Để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu bền vững và cân bằng, hệ thống thương mại đa phương, cởi mở dựa trên luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là điều cần thiết. Hiệp định thương mại song phương, khu vực và đa phương cũng nên bổ sung cho nhau, đồng thời mang tính minh bạch, toàn diện và phù hợp với quy định của WTO.
3G hoan nghênh ghi nhận của G20 về việc xem WTO là xương sống của hệ thống thương mại đa phương và vai trò trung tâm của WTO trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển. Đặc biệt, 3G đánh giá cao cam kết của G20 để tăng cường nỗ lực thực hiện tất cả các yếu tố của các gói Bali, cũng như để thực hiện việc phê chuẩn nhanh chóng và thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại. 3G cũng khuyến khích sự cam kết của G20 hướng tới mở cửa thương mại và đầu tư, giảm rào cản thương mại và chống bảo hộ dưới mọi hình thức.
Chúng tôi khuyến khích bởi những nỗ lực của G20 trong các lĩnh vực như tiếp cận năng lượng và an ninh lương thực và dinh dưỡng, bao gồm các kế hoạch hành động như: hợp tác tự nguyện về tiếp cận nguồn năng lượng, tự nguyện lựa chọn năng lượng tái tạo, triển khai và hành động có kế hoạch về an ninh lương thực và hệ thống thực phẩm bền vững.
Chiếm hơn 75% lượng khí thải carbon toàn cầu, G20 nên góp phần quyết định cho sự thành công của phiên thứ 21 Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) ở Paris, Pháp, năm 2015. Cần có hành động mạnh mẽ và hiệu quả để giải quyết biến đổi khí hậu.
3G lưu ý việc khẳng định quyết tâm của G20 thông qua một giao thức, một công cụ pháp lý hoặc một kết quả thống nhất với hiệu lực pháp luật theo UNFCCC có thể áp dụng cho tất cả các bên, và hoan nghênh cam kết của G20 làm việc cùng nhau cho một kết quả thành công của COP 21.”