Mặc dù tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà vẫn được duy trì ở mức hợp lý ở mức bình quân 9%/năm, quy mô kinh tế và thu ngân sách so với năm 2010 đều tăng gấp 1,6 lần. GDP bình quân đầu người tăng gần 2 lần, tổng vốn xã hội đạt gần 70.000 tỷ đồng, xuất khẩu tăng bình quân 15,6% và các chỉ tiêu về xã hội đạt cao và đứng ở các vị trí từ thứ 1 đến thứ 3 các tỉnh duyên hải miền Trung và Bắc Trung bộ nhưng nhìn trong bảng tổng sắp chung, Thừa Thiên Huế đang có sự phát triển chậm lại và có nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với các tỉnh trong khu vực. Có thể thấy điểu này ở các con số: quy mô kinh tế và thu ngân sách Nhà nước cùng ở vị trí 9/12; tổng vốn đầu tư xã hội ở vị trí 8/12; kim ngạch xuất khẩu 6/12 (nguồn Cục Thống kê Thừa Thiên Huế). Những điều này cho thấy, khó khăn cũng nhiều, thách thức cũng lớn để cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế - xã hội cũng như vị trí của tỉnh nhà trong phát triển.

Câu hỏi được đặt ra, vì sao từ một tỉnh thường có vị trí cao trong cả nước, Thừa Thiên Huế lại phát triển chậm lại và có nguy cơ tụt hậu? Tại cuộc họp báo, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cũng trăn trở khi chia sẻ, vì sao nhiều chủ trương, nghị quyết của tỉnh đề ra đều tốt, thậm chí đi trước nhiều tỉnh, thành khác nhưng chúng ta vẫn phát triển chậm?

Suy cho cùng, vấn đề bắt đầu từ con người và do con người. Một bộ máy không thể vận hành tốt nếu không có những con người có trình độ chuyên môn, không có kỹ năng, nhiệt tình và trách nhiệm cũng như một cơ chế hoạt động có hiệu quả. Chính vì thế, việc phát hiện, rà soát, bồi dưỡng và đào tạo để nâng chất lượng đội ngũ là điều được đặt ra như một trong những yếu tố quan trọng của nhiệm kỳ, cũng như tạo nền tảng cho những nhiệm kỳ tiếp theo. Đó cũng là điều mà người dân kỳ vọng.

Nguyễn An Lê