"Đã có những báo cáo về các mối đe dọa khủng bố sắp xảy ra ở Malaysia", Cảnh sát trưởng Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết trong một tuyên bố vào đêm qua (19/11). "Vào thời điểm này, tôi muốn nhấn mạnh rằng thông tin đó vẫn chưa được xác nhận", và nói rằng, an ninh đã được thắt chặt tại Malaysia sau các vụ tấn công khủng bố ở Pháp, Ai Cập và Lebanon.

Malaysia thắt chặt an ninh trước Hội nghị Cấp cao ASEAN. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Obama sẽ cùng các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia hội nghị cấp cao vào cuối tuần này. Các lãnh đạo đến từ 8 quốc gia khác có quan hệ đối tác chặt chẽ với nhóm, bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ cũng sẽ tham dự cuộc họp bắt đầu vào ngày mai (21/11).

Theo Tư lệnh các lực lượng vũ trang Malaysia Zulkifeli Mohd, có ít nhất 2.000 nhân viên quân đội đang đóng tại các điểm chiến lược ở Kuala Lumpur và 2.500 binh sĩ khác được chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng.

Trong hôm nay, Tổng thống Obama sẽ gặp Thủ tướng Najib Razak và sẽ "trực tiếp" nêu lên mối lo ngại về tình trạng đối lập chính trị ở Malaysia, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết.

"Chúng tôi sẽ rất thẳng thắn về những điểm có bất đồng và khác biệt, đồng thời cũng sẽ thẳng thắn phản đối nếu thấy rằng các loại giá trị phổ quát mà chúng tôi hỗ trợ không được tôn trọng", cố vấn Rhodes nói với các phóng viên ngày hôm qua trong Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Manila.

Các nhà phê bình đã cáo buộc Thủ tướng Najib làm leo thang một cuộc đàn áp bất đồng chính kiến ​​và tự do phát biểu sau khi để mất các phiếu phổ thông của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013. Thủ tướng cũng đang phải chịu áp lực sau khi có thông tin được tiết lộ hồi tháng 7/2015 rằng gần 700 triệu USD tiền gửi không rõ nguyên nhân đã được chuyển vào các tài khoản ngân hàng cá nhân của Thủ tướng. Ông Najib đến nay vẫn phủ nhận có hành vi sai trái nhưng chưa làm rõ nguồn gốc và mục đích của số tiền ông nhận được.

Tổng thống Obama cùng với hầu hết các nhà lãnh đạo khác đến Kuala Lumpur hôm nay trước đó đều đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila. Ông Obama đã cố gây áp lực với Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và đảm bảo với các đồng minh rằng việc Mỹ "xoay trục" sang châu Á vẫn còn là một chính sách cốt lõi.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Tổng thống Obama yêu cầu Trung Quốc ngưng việc cải tạo đất biến 7 rạn san hô ở quần đảo Trường Sa thành các đảo. Bắc Kinh có yêu sách chồng lấn với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei tại Biển Đông, nơi có lưu lượng thương mại hàng hải qua đó lên đến 5 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Theo nguồn tin, Trung Quốc tuyên bố không muốn vấn đề Biển Đông là trọng tâm của các cuộc họp tại Kuala Lumpur nhưng thừa nhận rằng, chủ đề này sẽ rất khó tránh khỏi.

Việc xây dựng các sân bay và các phương tiện khác trên một số hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc đã cảnh báo khu vực và khiến Washington lo ngại rằng Trung Quốc đang mở rộng các hoạt động quân sự tiếp cận sâu vào vùng biển Đông Nam Á.

Tố Quyên (lược dịch từ Reuters & AP)